Friday, February 14, 2014

Hành trình về miền đất đau thương


Sài Gòn đón tôi bằng những cơn gió nhè nhẹ và chút nắng vàng buổi sớm của những ngày tháng 8 để tôi bước vào cuộc hành trình đến nơi đau thương nhất đất nước, nơi lưu dấu anh linh một thời của miền Nam Việt Nam. Xuôi theo Xa lộ Hà Nội về hướng Bình Dương, Đồng Nai để tìm về cái tên mà năm tháng qua đi với trăm nghìn vết thương vẫn còn nhớ tới: Nghĩa trang Quân đội. Vậy mà suốt dọc hành trình tìm kiếm cái tên đó như xa vời lạ lẫm với con người xung quanh, biển chỉ dẫn không có dù là nhỏ nhất nên cuộc hành trình của tôi càng trở nên khó khăn hơn. Thông tin duy nhất tôi có đó là hai địa danh Bình An, Bình Dương. 
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ hỏi đường tôi cũng đặt được những bước chân đầu tiên đến vùng đất đất đó, vùng đất thiêng của những người lính miền Nam oanh liệt một thời. Con đường vào Nghĩa trang giờ đã được đặt tên mới: Đường 30 tháng 4 và đường Thống Nhất, tôi hiểu ra một điều rằng vì sao họ không thể an nghỉ, lòng tôi chùng xuống với vô vàn suy nghĩ miên man. 


Thêm chú thích


Cổng Nghĩa trang hiện ra trước mắt tôi với cái tên hoàn toàn mới và xa lạ: Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Cánh cổng to sơn màu xanh, biển chữ màu vàng trên nên đá nâu, đẹp đẽ và bóng loáng hơn tôi nghĩ nhưng hình như để che lấp những sự thật mà không bước chân ra sau cánh cổng đó sẽ không thể biết được. Nghĩa trang nằm trên một khu đất rộng, cỏ mọc xanh um với lối mòn đã phai dấu theo năm tháng. Đài Tháp chính  của Nghĩa trang vẫn còn vẹn nguyên, sừng sững và uy nghi giữa đất trời như vóc dáng người lính năm xưa đầu đội nón sắt, vai khoác súng và balo-hành trang giản dị của lính.




Tôi thắp những nén nhang đầu tiên tại Đài tưởng niệm, cúi chào anh linh của biết bao người lính nằm lại nơi đây. Các khu mộ được lập bao quanh khu Đài tưởng niệm, xếp thẳng hàng. Nhưng đó chỉ là những khu mộ còn vẹn nguyên, còn lại thì đã bị chiến tranh và bàn tay chế độ cày xới mà nếu ai không biết sẽ không nghĩ rằng đó là ngôi nhà của người đã khuất.


Tất cả hoang tàn, đổ vỡ đến khủng khiếp. Khuôn viên Nghĩa trang cỏ mọc cao ngang mộ, nhìn một lượt tôi hiểu đã từ lâu nơi này không có bàn tay chăm sóc. Các anh nằm đó dưới những tấc đất lạnh lẽo nhưng chẳng thể yên nghỉ sau bao thăng trầm của lịch sử. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, đã nhiều lần nơi ở của các anh bị cày xéo, đã nhiều lần bị dày vò nhưng hình như đến chết các anh vẫn hiên ngang như vậy. Bước vào con đường binh nghiệp là bỏ lại sau lưng tuổi xuân phơi phới và những yêu thương riêng bản thân mình. Rồi đến lúc tử trận cuộc đời bỏ lại các anh nơi ngọn đồi này.





Những ngôi mộ mới được đắp lại


Lặng lẽ đi thăm từng ngôi mộ, tôi thắp nén nhang làm ấm lòng các anh, mong các anh được bình an trong giấc ngủ của mình. Hầu như mộ phần đều tan hoang, đổ nát. Một vài ngôi mộ được người nhà về sửa sang to đẹp bên cạnh những ngôi mộ rêu xanh phủ đầy, và những ụ đất được đắp vội vàng như người vừa nằm xuống hôm qua. Sự tương phản trái ngang càng làm tôi buồn bã, những ngôi mộ kia có thể người nhà đã không còn. Sài Gòn năm đó đã ra đi quá nửa, cuộc sống đọa đày cướp mất của họ tất cả, kể cả nhưng yêu thương cho người đã khuất.

Những ngôi mộ may mắn không bị tàn phá thì còn nguyên vẹn phần bê tông đóng chặt và tấm bia ghi tên ngày sinh, ngày tử trận, đơn vị tác chiến. Ai may mắn hơn thì còn bức hình trên bia. Tôi lặng nhìn những bức hình còn sót lại hiếm hoi, những nụ cười còn vẹn nguyên với nét tinh khôi của tuổi trẻ và sự mạnh mẽ khi mang trên mình bộ quân phục của lính. Đa phần họ ra đi ở tuổi mười chín, đôi mươi - cái tuổi còn biết bao ước muốn với tình yêu vừa chớm nở. Đi từng ngôi mộ thắp nén nhang lòng tôi thắt lại vì những sự thật hiển hiện trước mắt tôi: phần lớn mộ đều không có nổi một cái chén nhỏ để thắp nhang, mộ phần cô quạnh vì không được chăm sóc thường xuyên bởi bàn tay của người thân, nhiều mộ không có bia, chỉ trơ trọi một tảng xi măng lạnh lẽo, hay một nắm đất trơ mình giữa nắng mưa bão gió. Tôi có ngồi nói chuyện cùng với 3 người chăm sóc mộ phần ở đây, họ nói không có tiền để xây sửa nên mộ phần chỉ để như vậy. Người đến thăm mộ thân nhân họ cũng chỉ biếu thêm ít tiền để mua nhang đốt ấm lòng chiến sỹ. Tôi hỏi họ việc xây sửa có bị gây khó dễ gì không, họ nói là không chỉ cần làm cái đơn cho ban quản lý nghĩa trang gửi tiền là họ làm. Một người chăm mộ nói với tôi: “Cô có mua một xe nhang cũng chẳng đủ để thắp hết nghĩa trang này, nhiều lắm cô ơi”. Tôi nghe mà lòng nhói đau, tôi đau vì sức tôi quá nhỏ bé, tôi đau vì cũng vài người như tôi đến đây cũng chẳng thể đủ cho một ngọn đồi bất hạnh vì mỗi ngôi mộ tôi nhìn thấy đều trơ trọi không nhang khói, không một bóng dáng người ngoài 3 người chăm mộ. 

 Xa Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt, chẳng ai để ý đến nơi đây, trên ngọn đồi lộng gió có những con người dẫu chỉ còn nắm xương tàn nhưng đã từng sống không quản thân mình cho lý tưởng của cả miền Nam. Sống cho Đất Mẹ, rồi chết đi trở về với Đất Mẹ các anh chỉ cần một nén nhang cho ấm lòng mà cũng không có. Nhìn Đài tưởng niệm không chút khói nhang, không một cành bông ngoài cỏ dại, cành cây khô phủ đầy lối đi và trên mộ lòng tôi đắng ngắt. Sự tàn phá của 20 năm chiến tranh liên miên, sự tàn nhẫn của 38 năm được gọi là hòa bình, thống nhất, sự vô cảm của người còn sống, tất cả được lưu giữ ở đây như một bức tranh chân thực nhất của cuộc đời. Đi giữa lòng đất thiêng của lính tôi không cảm thấy lòng mình lạnh giá, hình như anh linh của người lính năm xưa biết tôi trở về thăm họ nên họ đã dành cho tôi những tình cảm nồng ấm trong sự giao hòa của đất trời.


Tạm biệt các anh trở về với cuộc sống thực tại, tôi rảo bước trên lối mòn ra khỏi khu nghĩa trang, lòng tần ngần vì cảm giác mình chưa làm được nhiều hơn cho họ. Trên đường bước ra tôi bắt gặp một ngôi mộ một nữ quân nhân, chị là nữ y tá không quân tử trận năm 74 khi mới 19 tuổi. Chị đẹp quá, một vẻ đẹp hồn hậu trong trẻo của tuổi 19, nét thanh lịch tri thức của tuổi trẻ miền Nam. Họ đã làm được nhiều hơn tôi, vì ở tuổi của họ lý tưởng và niềm tin đã mãnh liệt đến thế. Yên nghỉ nhé người lính miền Nam, dẫu thời cuộc nói gì, sự thật che khuất nơi đâu, các anh các chị cũng đa luôn là lẽ sống cho miền Nam, cho tình yêu và tuổi trẻ. Sống và chết cho lời thề Vị Quốc Vong Thân

Sài Gòn hôm nay sau bao mùa thay đổi liệu rằng còn ai nhớ đến, và bao nhiêu người đã quên những người một thời đã sống và chiến đấu cho miền Nam yêu thương. Họ chiến đấu, hy sinh không phải để mong một ngày được đền đáp vì đơn giản họ là Lính. Nhưng không phải vì thế những người còn sống như chúng ta bỏ lại họ giữa lạnh lẽo của cuộc đời. Nếu nghĩ rằng phải làm, hãy làm từ những gì có thể, thực tế nhất và chân thành nhất; đừng nói, đừng mơ những gì phi hiện thực. Một người như tôi sẽ là nhỏ bé, những vạn người như tôi sẽ là sức mạnh lớn lao.

Thay cho lời kết bằng câu hát: Nhớ lời mẹ cầm tay nói, nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối. Yêu thương và tự do sẽ còn mãi mãi…. Tôi mong một ngày tràn ngập yêu thương và tự do. 

Sài Gòn, một ngày nắng ấm 
Ozzie Nguyen

No comments:

Post a Comment