Sunday, April 27, 2014

Người lính, những màu nhiệm bình thường và lặng lẽ


Thật khó khăn khi đặt bút viết về người lính, người lính miền Nam một thời với nhiều hoài bão của tuổi trẻ, với những năm tháng vào sinh ra tử và những vết thương về thể chất lẫn tinh thần không sao lành nổi. Tôi sẽ không viết về chiến tranh, về những đúng sai được mất của cuộc chiến mà tôi chỉ viết về những con người đã một lần chọn cho mình lý tưởng, bước vào quân trường với niềm vui và hoài bão, khoác lên mình bộ đồ trận chỉ vì yêu tha thiết bóng dáng ngạo nghễ giữa đất trời với lời thề thiêng liêng: Vị Quốc Vong Thân.

Đã làm lính nghĩa là đã mang trên vai những trách nhiệm lớn lao, bảo quốc an dân, tiêu diệt kẻ thù. Làm lính là sống hay chết đều cho Tổ quốc, cho thể chế chính trị mình phụng sự. Miền Nam Việt Nam nơi hình thành một thể chế chính trị độc lập đồng nghĩa với việc sẽ hình thành nên những người con, người lính sống chết hiên ngang bảo vệ cho đồng bào của họ nhưng miền Nam ruột thịt lại luôn bị đè dọa tự do cho một chiêu bài thống nhất của CSBV. Ai là kẻ thù của ai, hay tất cả cuộc chiến chỉ để thực hiện tham vọng bá quyền của cộng sản. Dẫu là gì người lính vẫn cứ cầm súng ra trận, nằm gai nếm mật, nỗi lòng chất chứa yêu thương, nhìn cảnh bom đạn chẳng mảy may sợ hãi nhưng lại trào nước mắt khi thấy xác đồng bào mình. Người lính đi vào thơ văn, vào những dòng nhạc đầy máu lửa nhưng cũng đầy nước mắt.


Những năm tháng hòa bình giả tạo, người lính là người hiểu hơn ai hết hai chữ tự do. Máu vẫn cứ đổ, thân xác bỏ lại chiến trường, yêu thương vẫn chỉ để dành cho những phút giây cô độc im tiếng súng. Mang thân mình phụng sự cho quốc gia họ chưa bao giờ nghĩ đến sẽ có ngày họ rơi vào cảnh không chốn dung thân. Tôi trào nước mắt khi hiểu hơn số phận bi thương và oai hùng của một đội quân được đào tạo chuẩn mực nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc và chỉ một tấm poncho bọc lấy thân, một miếng nhôm với tên và số quân rồi vĩnh viễn không bao giờ được tìm lại. Ai chiên thắng, ai thất bại tôi không muốn bàn tới, tôi chỉ đang tìm chân lý cho số phận con người của người lính. Họ là người, phải, con người bằng xương bằng thịt chảy chung dòng máu như tôi hay bao người đã và đang giương cao ngọn cờ chiến thắng. Chiến tranh xét đến cùng đã cướp đi của hai bên nhiều thứ nhưng người lính Miền Nam 20 năm cho tự do của mình và cũng gần 40 năm cho tự do ấy đã còn gì và mất gì. Miền Nam ngày ấy đau thương đến tận cùng, họ là kẻ thù cần phải đánh đuổi đến thế sao. Những hình ảnh, ký ức đau buồn còn lưu lại cứ day dứt lòng tôi: người lính gồng gánh cho dân chạy loạn, tay dắt em thơ mẹ già trong mưa bom bão đạn. Người lính làm bia đỡ đạn, làm dù che pháo....

Những địa danh nổi tiếng trải dài từ Quảng Trị tới Cà Mau chất đầy xác người. Kẻ thù là đây sao, đạp bằng tất cả để đạt được điều này sao. Ngày hôm qua các anh khóc cho đồng đội chết mà chưa kịp liệm, thì ngày hôm nay anh nằm xuống bỏ lại cuộc đời mình cùng giấc mộng về Sài Gòn tự do. Thương thay, người lính họ đâu biết cái ngày ấy vốn dĩ họ đã không thể thực hiện giấc mơ cho một thể chế chính trị hào hùng nhưng non trẻ. Và quy luật vẫn cứ là kẻ mạnh luôn thắng. Công sản Bắc Việt lúc đó được hậu thuẫn rất nhiều cả về quân sự, vũ khí và kinh tế từ Cộng sản Quốc tế trong khi dù được Mỹ đầu tư rất nhiều nhưng vào những lúc cam go nhất đồng minh lại bỏ mặc họ. Hiệp định 1972 phơi bày bộ mặt giả dối của Cộng sản cũng như tham vọng đánh chiếm miền Nam đến cùng của chúng con VNCH đã quá quân tử để rồi chứng kiến sự ngấm ngầm xâm lược của Cộng sản cho đến giờ phút hấp hối của Sài Gòn hoa lệ. Và người lính lại chính là những người đầu tiên nếm trải bất hạnh của sự sụp đổ. Thế giới lặng câm nhìn họ chết, chết dần chết mòn trong tủi nhục. Hai mười năm chính chiến nếm trải cho đến những phút giây sau cuối họ ra sao, hỡi người lính Miền Nam? Nơi đó, người chết thì bị cày mộ oan nghiệt, người còn sống lành lặn thì rũ mòn trong trại cải tạo, người thương tật cô nhi quả phụ thì sống không nhà không cửa. Tôi tự hỏi hai chữ Tự do kia có là đích thực khi miền Nam đau thương triền miên Tôi không thể tưởng tượng được khi xem nhưng thước phim, những tài liệu còn lưu giữ lại về số phận đau thương của những người lính miền Nam. Sau 75 các trải cải tạo mọc lên như nấm, những hình thức cải tạo nghiệt ngã chỉ để dày vò thể xác và tinh thần của những người mà cộng sản họ cho là kẻ thù của dân tộc. Các anh là những người tù không có án chịu đọa đầy, chôn vùi những năm tháng của mình trong hố sâu bẩn thỉu. Một câu hỏi cứ mãi đeo đẳng tôi khi hiểu thêm về số phận họ. Họ có quyền sống cho lý tưởng của họ, nhưng không thể chỉ vì lý tưởng ấy mà họ phải gánh chịu những đắng cay dai dẳng đến vậy.

Người dân miền Nam sẽ vẫn luôn nhớ mãi về  họ, những hình ảnh đẹp về Hải Quân, Không Quân, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Lính Dù....đã sống trọn vẹn cho lý tưởng, nghĩa tình với nhân dân. Miền Nam 20 năm dù tràn ngập binh lửa nhưng hạnh phúc, trẻ nhỏ không phải ăn xin hay vớt dầu cặn trên sông, phụ nữ không phải lột hết quần áo cho người ngoại quốc ngắm nghía sờ nắn tuyển vợ. Sau 20 năm, anh, người lính của chiến trận và là người tù của thời bình, lưu vong trong lòng dân tộc và lưu đày trên chính quê hương. Cuộc chiến quả là dai dẳng với anh, những người lính miền Nam, chiến đấu cho đến tận cùng hơi thở. Anh lạc mình trên đường phố quê hương. Sự đổi thay ác nghiệt cũng đồng nghĩa không còn chỗ cho anh. Lại một lần nữa anh bước vào cuộc chiến: người lính tha hương trên xứ người để tìm lại tự do, mái đầu sương đã điểm với những hoài niệm oanh liệt một thời cho những giây phút đau khổ không bao giờ quên và những trăn trở cho hôm nay nơi mộ phần đồng đội mình từng ngày bị giày xéo, nơi đồng đội mình những người thương binh đang sống đọa đày.

Lại một 30/4 nữa trở về trong những hồi tưởng, những tiếc nuối nhưng cũng chất chứa đau buồn. Đã ai thử một lần nhìn lại 2 chữ Vinh danh để ghi cho hết những điều tưởng chừng giản đơn nhưng cay đắng và khốc liệt chưa. Và Vinh danh bao nhiêu cho đủ, bù đắp chừng nào mới hết những xương máu họ đã để lại. Ngày 30/4 như một cái mốc thể hiện đầy đủ những trạng thái cảm xúc khác nhau, riêng tôi cảm xúc ngày càng rõ bởi chính sự thật về họ, về VNCH về khoảng thời gian đã đi qua, về bộ mặt của kẻ thắng cuộc. Tôi mừng vì những ngày này với tốc độ phát triển của thông tin báo chí, tôi và nhiều người dân hiểu biết không còn bị ru ngủ bởi những bộ phim bài hát ca ngợi chế độ của phía bên thắng cuộc nữa.



Cuối cùng tôi xin dùng một câu văn mà nhà văn Phan Nhật Nam đã viết để kết thúc những dòng cảm xúc của mình về lính: "Người lính Việt Nam đã chiến đấu và tồn tai như một nhiệm màu. Trên màu nhiệm bình thường lặng lẽ này Tổ quốc điêu linh thở từng hơi ngắn đớn đau...."

Ozzie Nguyen

No comments:

Post a Comment