Saturday, April 11, 2015

Miền Nam những ngày tháng 4 năm 1975- Phần 3

Sáng ngày 29/4/1975, "Thủ tướng" Vũ Văn Mẫu đã đọc đi đọc lại liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn một văn bản thông báo của Tân Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam trong 24h. Bản thông cáo đó là Văn thư số 033-TT/VT của Phủ Tổng thống với nguyên văn như sau:

"Tổng thống VNCH

Kính gửi: Ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Thưa ông Đại sứ
Tôi trân trong yêu cầu ông Đại sứ vui lòng chỉ thị cho nhân viên của Cơ quan Tùy viên Quân sự DAO rời khỏi Việt Nam trong 24h kể từ ngày 29/4/1975 để vấn đề hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết

Trân trọng kính chào ông Đại sứ.
Sài Gòn, ngày 28 tháng 4 năm 1975
Ký tên và đóng dấu
VNCH-Tổng thống
Đại tướng Dương Văn Minh"

Trong khi "Tổng thống" Dương Văn Minh hân hoan đuổi người Mỹ ra đi và hy vọng sẽ có cơ hội để nói chuyện với "người anh em bên kia" thì 10h hôm đó, Lê Duẩn đã gửi một điện văn "gửi anh Sáu, anh Tuấn, anh Tư, đồng điện anh Tấn" như sau:

"Bộ Chính trị và Quân ủy đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng băn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung Ương chỉ thị:
1. Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.
2. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy Ban Quân Quản do Tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch.
Sẽ có điện tiếp, nhận được điện trả lời ngay."

Rõ ràng, CSBV không hề nói đến hai chữ "bàn giao" mà ông Dương Văn Minh và nhóm Hòa giải Hòa Hợp của ông mong đợi. Sau khi phúc trình về Bộ Tổng Tư lệnh Thái Bình Dương tại Hawaii, Tướng Smith trình cho Đại sứ Martin biết về phi trường Tân Sơn Nhứt không còn có thể sử dụng được cho phi cơ vận tải C130 và Ông Martin cuối cùng đã phải nhượng bộ vì cho đén ngày 29/4 ông Đại sứ vẫn cương quyết chống lại lệnh di tản tức khắc tất cả người Mỹ ra khỏi Việt Nam của Bộ Ngoại giao. Thâm ý của ông là giữ người Mỹ ở lại để di tản cành nhiều người Việt Nam ra khỏi Sài Gòn thì càng tốt chừng đó. Đại sứ Martin gọi điện thông báo cho Ngoại trưởng Kissinger và ông Kissinger đã trình ngay Tổng thống Gerald Ford. Chỉ sau vài phút, Tổng thống Ford ra lệnh thi hành chiến dịch "Frequent Wind Option IV" tức là kế hoạch di tản toàn bộ người Mỹ ra khỏi Việt Nam vào lúc 10h51' sáng tại Sài Gòn.

Trong ngày 29/4/1975, hàng trăm trực thăng C53 và C46 đã từ Hạm đội 7 ngoài khơi biển Việt Nam bay đến Sài Gòn di tản hàng chục ngàn người Mỹ và người Việt Nam đang tập trung tại các địa điểm như Văn phòng DAO, các cao ốc của người Mỹ và nhất là Tòa đại sứ Hoa Kỳ.

Vào lúc 11h40' tối ngày 29/4/1975, một toán chuyên viên chất nổ của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã phá nổ toàn bộ Tòa Tùy viên Quân lực DAO, tức là Bộ Tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam gọi tắt là MAC-V, nơi mà trong hơn 10 năm đã từng là biểu tượng cho cam kết của Hoa Kỳ với trên nửa triệu quân nhằm chống lại âm mưu thôn tính miền Nam Việt Nam của CSBV. Sự phá hủy cơ sở này là dấu hiệu cho biết rằng đối với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.

* Cựu Tổng thổng Trần Văn Hương những ngày cuối cùng: mặc dù bận rộn việc di tản, đại sứ Martin cũng đã tìm cách gặp Cụ Trần Văn Hương, cựu Tổng thống VNCH tại Phủ Phó Tổng thống lần cuối. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày 29/4/1975. Đại sứ nói: "Thưa Tổng thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm, nhân danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi mời Tổng thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào mà Tổng thống muốn. Chánh phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị tổng thống cho đến lúc tổng thống trăm tuổi già." Tổng thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời: "Thưa ngài Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay là rất nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, Tôi rất cảm ơn ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết rằng CS vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau đơn tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước. Cảm ơn ông đại sứ đã đến viếng tôi."

Đây không phải là lần đầu tiên cụ Trần Văn Hương từ chối lời mời di tản ra ngoại quốc. Trong cuốn hồi ký "Saigon et moi", cựu đại sứ Pháp Mérillon cho biết trước ngày 28/4/1975, ông ta có chuyển lời mời cụ Trần Văn Hương sang sinh sống ở Pháp sau khi giao quyền lại cho Dương Văn Minh thì cụ đã trả lời: "Ông đại sứ à, tôi đâu có ngán VC. Nó muốn đánh, tôi sẽ đánh tới cùng. Tôi chỉ sợ mất nước sống lưu vong đày ở xứ người ta. Nếu trời hại nước tôi, nước tôi mất, tôi thề sẽ ở lại đây và mất theo nước mình".

Năm 1978, khi VC trả lại "quyền công dân" cho Dương Văn Minh, các anh em đang bị tù "học tập cải tạo" đều bị xem hình ảnh và phim chiếu lại cảnh cựu "Tổng thống" Dương Văn Minh đang hồ hởi hân hoan đi bầu cử Quốc hội "đảng cử dân bầu" của CS. Cụ Trần Văn Hương cũng được trả lại "quyền công dân" nhưng cụ đã từ chối. Cựu Tổng thống VNCH Trần Văn Hương đã gửi bức thư sau đến các cấp lãnh đạo chính quyền CS:

"....hiện nay vẫn còn mấy trăm ngàn nhơn viên chế độ cũ, cả văn lẫn võ, từ Phó Thủ tướng, Tổng bộ trưởng, các tướng lãnh, quân nhân, công chức các cấp, các chính trị gia, các vị lãnh đạo tôn giáo, đáng phải đang bị tập trung cải tạo, rỉ tai thì ngắn hạn mà cho đến nay vẫn chưa thấy được về.
Tôi là người đứng đầu lãnh đạo Chánh phủ VNCH, xin lãnh hết trách nhiệm một mình. Tôi xin Chính phủ mới tha họ về hết vì họ là những người chỉ biết thừa hành mệnh lệnh cấp trên, không có tội gì cả. Tôi xin chính phủ mới tha họ về sum họp với vợ con còn lo làm ăn xây dựng đất nước. Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng nhận quyền công dân cho cá nhân tôi."

Cụ Trần Văn Hương đã không hề nhận "quyền công dân" của CS cho đến khi từ trần vào năm 1981 thì cụ vẫn là công dân của VNCH.

* Ngày 30/4/1975: Cuộc di tản vẫn tiếp tục trong đêm cho đến rạng sáng ngày 30/4/1975. Vào lúc 1h30' sáng, Ngoại trưởng Kissinger ra lệnh cho Tòa đại sứ Mỹ phải kết thúc việc di tản vào lúc 3h45' sáng giờ Sài Gòn và Đại sứ Martin phải ra đi trên chuyến trực thăng trước chuyến bay cuối cùng. Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã cố tình cưỡng lại lệnh của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và ông là ân nhân của một số người Việt Nam vì nếu không có ông thì họ không may mắn được di tản ra khỏi Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Ông đã phối hợp di tản được 6000 người Mỹ và 50000 người Việt Nam ra khỏi Sài Gòn. Cuộc di tản vẫn tiếp tục cho đến 7h35' sáng ngày 30/4/1975 thì chiếc trực thăng CH-46 cuối cùng mới rời khỏi sân thượng của Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn mang theo Trung sỹ Juan Valdez, người lính Mỹ và cũng là người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc của chính sách "ủng hộ miền Nam Việt Nam chiến đấu chống lại sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản"

* 10h24' ngày 30/4/1975, "Tổng thống" Dương Văn Minh đã đọc nhật lệnh trên Đài phát thanh Sài Gòn ra lệnh cho tất cả mọi quân nhân thuộc Quân lực VNCH phải buông súng đầu hàng. Ông Dương Văn Minh tuyên bố:

" Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mệnh đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa hợp hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sỹ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu thì ở đó.
Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiên sỹ Chính phủ Cách mạng Lâm Thời CH Miền Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây đang chờ đợi gặp CPCMLTMNVN để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào."

"Thủ tướng" Vũ Văn Mẫu cũng đọc lời kêu gọi mọi tầng lớp dân chúng hãy chào mừng "ngày Hòa bình cho dân tộc Việt Nam" và ra lệnh cho mọi công chức phải trở về nhiệm sở. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng Tham mưu Phó Quân lực VNCH nhân danh Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham mưu Trưởng (vắng mặt) ra lệnh cho tất cả quân nhân các cấp phải nghiêm chính thi hành lệnh của "tổng thống" Dương Văn Minh.

Dương Văn Minh chỉ kêu gọi những "người anh em bên kia" trong cái gọi là "Chính phủ CMLTMNVN", nhưng ông ta không hề biết rằng những người mà ông ta kêu gọi không hề có một chút quyền hành nào. Những kẻ có quyền lực lúc đó như Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, ba Ủy viên Bộ Chính trị đại diện CS Hà Nội đang thực sự nắm quyền trong chiến dịch HCM thì ông ta lại không hề đả động tới. Ông "tổng thống" không thể nào biết rằng trưa ngày hôm đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã gửi điện văn số 516/TV ra lệnh cho các cấp lãnh đạo Chiến dịch HCM phải "bắt địch đầu hàng vô điều kiện" chứ không phải thương lượng. Ngoài điện văn trên, chính Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy TW cũng đã gửi bức điện văn số 151 ngày 30/4/1975 gửi cho " anh Sáu" tức Lê Đức Thọ, "anh Bảy" tức là Phạm Hùng, "anh Tuấn" thức là Văn Tiến Dũng, "anh Tư" tức là Trần Văn Trà, và "anh Tấn" tức là Lê Trọng Tấn nội dung như sau:

"Theo ý kiến của Bộ Chính trị và Quân ủy TW

1. Việc chỉ đạo của Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định (kể cả những mệnh lệnh, tuyên bố) giao cho TW Cục và Quân ủy Miền Nam phụ trách.

2. Hôm nay sẽ ra một lời kêu gọi của Bộ chỉ huy Quân Giải phóng. Chúng tôi đang dự thảo vào cho phát.

3. Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách Tổng thống mà chỉ với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân.

4. Sẽ tuyên truyền lớn về thắng lợi giải phóng Sài Gòn-Gia Định, nhưng nhấn mạnh cuộc chiến đấu đang tiếp tục nhằm hoàn toàn giải phóng miền Nam. Đã chỉ thị chuẩn bị ngày mừng chiến thắng, sau khi hoàn thành việc giải phóng miền Nam sẽ tổ chức thống nhất cả nước. Anh Tố Hữu sẽ điện cho các anh.

5. Mười một giờ đã nhận được tin ta cắm cờ trên Dinh Độc Lập.

Gửi các anh lời chúc đại thắng lợi
Các anh Bộ Chính trị rất vui, rất vui..."

Rõ ràng trước khi xe tăng của CSBV ủi cổng sắt - đã được mở rộng - để vào chiếm Dinh Độc Lập, nơi mà "Tổng thống" Dương Văn Minh cùng với nhân viên trong "nội các" của họ để chờ "bàn giao" cho CS thì các giới lãnh đạo Hà Nội đã quyết định không coi ông như là "Tổng thống" mà chỉ là " một người đã sang hàng ngũ nhân dân" tức là một kẻ đầu hàng không điều kiện. Các sỹ quan CS cấp dưới cũng đã nhận lệnh này cho nên đối với họ thì những người tự nhận là tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng v.v... đang ngồi trong Dinh Độc Lập chỉ là những kẻ đầu hàng mà thôi. Bởi vậy, khi chiến xa 879 của Lữ đoàn Thiết Giáp 203 của CSBV ủi sập hàng rào sắt tiến vào Dinh, "Tổng thống" Dương Văn Minh vì không biết cấp bậc nên khi thấy vị Sỹ quan CS đeo đầy sao trên cầu vai nên đã tưởng rằng tướng lãnh cao cấp, đã nói: "Thưa Quan Sáu, tôi đã chờ ông từ ban sáng để trao quyền cho ông". Viên sỹ quan Bắc Việt này là Thượng tá Bùi Tùng đã dùng danh từ "mày, tao" lên tiếng: "Mày dám nói trao quyền hả? Mày chỉ là một kẻ cướp quyền và bù nhìn. Mày làm gì có quyền nào để trao cho tao. Chúng tao lấy được quyền đó là nhờ khẩu súng này đây. Ngoài ra tao xác nhận với mày là tao không phải là tướng mà chỉ là một trung tá ủy viên chính trị của một đơn vị chiến xa. Kể từ bây giờ tao cấm mày không được ngồi xuống". Người thuật lại những lời đôc thoại trên là cựu Đại tá Dương Hiếu Nghĩa, một người rất thân cận với ông Dương Văn Minh, trích trong "Hồi ký Dang Dở".

Chiều hôm đó, CS cho phép Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng tại Dinh Độc Lập tức là Phủ Tổng thống của VNCH, lời keu gọi được đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn như sau:

"Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực VNCH hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ CMLT Miền Nam Việt Nam"

Kể từ ngày hôm đó Sài Gòn đã mất tên, Quốc gia VNCH không còn nữa, miền Nam Việt Nam tự do cũng không còn nữa

Người lính Miền Nam bi hùng là thế đó, họ đã ở lại tới giờ phút cuối cùng vào trưa ngày 30/4/1975, thử hỏi có quân đội nào anh hùng hơn họ. Quân lực VNCH đã bị "đem con bỏ chợ" chiến đấu trong thiếu thốn, thiếu cấp chỉ huy, thiếu đại dược, thuốc men, xăng dầu, quân dụng. Trong khi Bắc Việt với tham vọng bá quyền chấp nhận đem giang sơn ra thế chấp cho đệ tam CS nến cả khối XHCN như Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba.... hết lòng giúp đỡ từ cây kim hạt gạo cho tới đạn dược, vũ khí. Nhưng dù gặp nguy hiểm, các lộ quân còn lại của Quân lực VNCH vẫn chống trả quân CSBV trên khắp các tuyến đường dẫn vào Sài Gòn. Chính hành động phi thường đó nên dù không còn nữa, Quân lực VNCH vẫn được Thế giới ngợi khen như Peter Kohn đã viết trên tờ Wall Street Journal:

"Quân đội VNCH là một quân đội can đảm và chiến đấu lão luyện. Quân đội ấy đã chiến đấu giỏi trên nhiều địa danh, mà người Mỹ hoặc Thế giới biết hay chưa biết tới. Quân đội ấy đã hào hùng ngạo nghễ với địch, qua hàng ngàn chiến trận, tiền đồn hẻo lánh hiu hắt. Quân đội ấy không được trang bị như quân Mỹ hay bộ đội CS Hà Nội. Thế nhưng từ khi Hoa Kỳ rút quân về nước hay lúc đầu quân Mỹ chưa vào Việt Nam, vẫn hiên ngang chiến đấu trong suốt 20 năm khói lửa, gần như bảo toàn lãnh thổ của cha ông từ phía bên này Vỹ tuyến 17 cho tới Cà Mau, đến khi bị Việt gian đâm sau lưng, CS bắt trước mặt, mới đành để mất giang sơn vào tay đệ tam CSQT

Cũng chính vì chiến đấu khắp các mặt trận, nên đã có hàng trăm ngàn người lính phải chết, hàng triệu thương phế binh, cô nhi, quả phụ. Tới giờ phút cuối cùng, đã biết nước sắp mất, chết chỉ thêm uổng mạng nhưng họ vẫn hiên ngang chiến đấu tại Khánh Dương, Phan Rang, Phan Thiết, Xuân Lộc, Long An, Tây Ninh, Củ Chi, Biên Hòa và Sài Gòn. Tất cả đều là những chiến tích để đời và lưu danh thiên cổ trong dòng sử Việt.

Cuối cùng trong giờ thứ 25, Quân lực VNCH đã xử sự mộ cách mã thượng anh hùng. Thay vì dùng vũ lực bắt trọn Tòa đại sứ và cơ quan DAO làm con tin (như Iran đã từng làm) để gây áp lực, bắt Hoa Kỳ phải giữ trọn lời hứa, dùng B52 đuổi bộ đội CS rút về phía bên kia giới tuyết 17, như Hiệp định Geneve năm 1954 và Hiệp đinh Paris 1973. Nhưng họ đã không làm vậy, vẫn tôn trọng kỷ luật quân đội, biểu lộ nét hào hùng văn hiến ngàn đời của một dân tộc có văn minh, văn hóa, khi cố gắng phòng thủ và tiếp tục chiến đấu khắp nơi, giúp cho Mỹ và những đồng đội, cấp chỉ huy hèn nhát, bỏ chạy khỏi nước một cách an toàn, trước khi CS vào Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Họ đáng được ca tụng và kính phục"

(Bài viết được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn tài liệu)

Ozzie Nguyen
(Hết)

No comments:

Post a Comment