Sunday, April 19, 2015

Tử chiến giờ thứ 25....trận chiến cuối cùng của những người lính quả cảm

Tại mặt trận miền Đông, sau ngày Sư đoàn 18 Bộ binh và Lữ đoàn 1 Nhảy Dù rút lui an toàn về Bà Rịa, Quân đoàn 3 đã tái phối trí các phòng tuyến mới. Sau khi chỉnh đốn lại đơn vị, Sư đoàn 18 Bộ Binh được giao trách nhiệm phòng thủ tuyến phía Đông Sài Gòn, từ kho đạn thành Tuy Hạ tới Tổng kho Long Bình. Tỉnh Phước Tuy và đặc khu Vũng Tàu, trong đó có Quốc lộ 15 được Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, Sư đoàn 3 Bộ Binh phối hợp với các lực lượng Địa phương quân và Nghĩa quân của Phước Tuy và Bình Thuận di tản từ miền Trung tới. Tỉnh Biên Hòa phi trường do Lực lường III Xung kích của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi được tăng phái thêm 2 Lữ đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến phòng thủ. Từ ngày 28/4/1975 để bảo vệ thành phố Biên Hòa, Liên đoàn 81 Biệt Kích Dù bố trí trong phi trường giữ mặt Bắc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3. Về phía Bắc Sài Gòn có Sư đoàn 25 Bộ Binh của Chuẩn tướng Lý Tòng Bá được tăng phái thêm 2 Liên đoàn 8 và 9 Biệt Động Quân, trách nhiệm Tây Ninh và Củ Chi-Hậu Nghĩa. Mặt trận phía Bắc tỉnh Bình Dương là trách nhiệm của Sư đoàn 5 Bộ Binh của Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ.

Phòng tuyến phía Nam Sài Gòn là Long An có Sư đoàn 22 Bộ Binh từ Bình Định di tản tới phối hợp với Lực lượng 99 Tuần thám Ngăn Chặn của Hải Quân.

Tương quan lực lượng: Phía VNCH lúc này chỉ có Sư đoàn 5, 18, 22, 25 Bộ Binh, 2 Lữ đoàn 1 và 4 Nhảy Dù, Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Lực lượng III Xung kích, Liên đoàn 81 Biệt Kích Dù, 4 Liên đoàn Biệt Động Quân, 625 chiến xa đủ loại, 400 pháo, 240000 người. Phía CSBV; 15 lộ quân với 280000 người gồm 15 Sư đoàn Bộ Binh, 5 Lữ đoàn Biệt Lập, 4 Lữ đoàn Thiết Giáp, 6 Trung đoàn đặc công. Tất cả được trang bị đầy đủ vũ khí đạn dược.


Tại Long Bình, sáng ngày 29/4/1975, Tiểu đoàn 43 thuộc Liên đoàn 4 Biệt Động Quân do Thiếu tá Xẻn làm trung đội trưởng được lệnh của Biệt Khu Thủ Đô tăng phái phòng thủ Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Lúc đó Trường Quân Vận đối diện trung tâm Huấn luyện Quang TRung cũng đã mất, nên chiến xa của CS bắt đầu tấn công Trung tâm. Không chỉ có tân binh quân dịch, mà Trung tâm lúc đó còn có một Tiểu đoàn Biệt Động Quân với hơn 500 người. Tối 29/4/1975 quan hệ thống truyền tin của Tiểu đoàn 43 BĐQ mới biết Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô đã bỏ chạy chỉ còn các sỹ quan cấp úy ở lại. Tuy nhiên trên các mặt trận lính vẫn chiến đấu không ngừng nghỉ. Tại Biên Hòa, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Cách Dù, các chiến đoàn thuộc Lực lượng III Xung Kích đã ngăn chặn CS tại các phòng tuyến. Tại Bộ Chỉ huy Thiết Giáp trong trại Phù Đổng, cũng là nơi đặt Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 từ Biên Hòa di tản về và Trung tâm Hành quân Bộ Tổng tham mưu gần như không còn đại bàng để nhận tin chiến trường và quyết định lệch lạc. Đến 22h30' ngày 29/4/1975 Tướng Nguyễn Hữu Có (vừa được Tổng thống Dương Văn Minh gắn cho cái lon Trung tướng) lên máy ra lệnh cho Sư đoàn 18 Bộ Binh của Tướng Lê Minh Đảo và Lực lượng III Xung Kích của Tướng Khôi giữ vững phòng tuyến để rạng sáng ngày 30/4/1975 sẽ hòa giải với CS. Nhưng 23h45' đêm 29/4/1975 CSBV đã không hòa hợp mà tấn công dữ dội bằng bộ binh và chiến xa khắp các phòng tuyến. Hai bên giao tranh quyết liệt nhất là tại phòng tuyến do lực lượng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Chiến đoàn 315 của Trung tá Đỗ Đức Thảo.

2h sáng ngày 30/4/1975 phòng tuyến Sư đoàn 18 Bộ Binh của Tướng Đảo tại Long Bình đã tràn ngập CS. Từ 6h30 sáng ngày 30/4/1975, CS pháo kích hỏa tiễn 122 ly vào khu dân cư đông đúc làm nhiều đồng bào bị thương vong. Trên các đường phố chiến xa của CSBV đã xuất hiện bắn vào Bệnh viện Vì Dân tại Ngã tư Bảy Hiền nhưng bị Biệt Cách Dù dùng đại bác M90 ly không giựt, trong vòng 15ph bắn cháy 6 chiếc T54, PT76. 9h30 sáng ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh ra lệnh cho Chiến đoàn 3 Biệt Cách Dù đang tử chiến với CSBV phải ngưng đánh nhau để chờ đầu hàng. Tuy nhiên nhiều toán không tuân lệnh cự chiến đến cùng, sau đó tự tử tập thể bằng lựu đạn vào giờ thứ 25.

Khi người lính tiếp nối nhau ngã gục trên chiến trường để bảo vệ từng tấc đất quê hương, bảo vệ thủ đô Sài Gòn thì tại Cơ quan DAO và Tòa Đại sứ Mỹ gần hết tướng lãnh bỏ chạy. Tất cả dẫm đạp lên nhau để hòng kiếm một chỗ chạy ra khỏi nước trốn CS, không còn ai thèm để tâm tới tư cách, thể diện  hay gì nữa. Sài Gòn náo loạn khắp nơi. Các tòa đại sứ lần lượt đóng cửa, nhiều hãng máy bay ngưng hoạt động. Hòn Ngọc Viễn Đông như đã chết. 9h30' sáng ngày 30/4/1975 khi cả Sài Gòn đang mê tỉnh trong cơn hấp hối thì Dương Văn Minh vì quá tin lời của bọn thân Cộng lợi dụng chức vụ của mình ép Quân lực VNCH buông súng trong khi tất cả còn đang tử chiến với giặc một lòng vì tổ quốc. Phút cuối cùng còn một số đơn vị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Biệt Cách Dù... không nghe lệnh, chặn đánh CS trên các đường phố Hồng Thập Tự, Thị Nghè, Đại lộ Thống Nhất. Họ đã chiến đấu vì danh dự của Quân lực VNCH.

Cũng vào giờ phút mà Dương Văn Minh bị còng tay gục đầu thì tại Bộ Quốc Phòng Trung tá Nguyễn Văn Cung thuộc Sư đoàn 18 Bộ Binh khi nghe tin đầu hàng đã tự sát. Nhiều lính dù cũng dùng súng M16 kết liễu tuổi trẻ oai hùng trước Tổng Cục Chiến tranh Chính trị. Tại Trại Hoàng Hoa Thám, một toán lính Nhảy Dù nắm tay thành vòng tròn rồi mở chốt lựu đạn để chết cùng nhau. Các tướng lãnh Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Hai... cũng quyên sinh khi thành mất.


Đó mãi là những hình ảnh đẹp, đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân miền Nam Việt Nam và trong trang sử hào hùng của dân tộc. Sài Gòn đã chết từu đó, dân chúng thành đô dửng dưng trước chủ mới còn những kẻ xu thời thì bám víu thời cơ tung hô. Họ đổ xô tới chiêm ngưỡng "những anh hùng cách mạng" mà nhiều năm họ đã không ngớt ca tụng không tiếc lời. Sự thật nhiều năm che giấu cũng dần lộ sáng. Thế giới bắt đầu tỉnh ngộ và nhìn thẳng vào sự thật. CSHN đã chiến thắng nhờ tuyên truyền, và thổi phồng bịa đặt các huyền thoại chính trị mà hầu hết đều là chuyện trên trời. Nhờ vậy chúng mới dụ dỗ lừa phỉnh được nhiều trí thức nhà báo trong và ngoài nước góp phần vào chiến thắng đó.

Trong quá khứ hay hiện tại người Mỹ cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của quốc gia mình. Thế nên để đem được quân vào Việt Nam người Mỹ đã phải giết một tổng thống dân cử của bản xứ. Và để rút quân an toàn về nước sau khi đã đạt được mục tiêu về kinh tế họ đã dùng áp lực quân sự bắt buộc đồng minh của mình ký vào hiệp ước giả mạo phi luân, bán đứng quốc gia Việt Nam, chôn vùi tương lai của dân tộc Việt Nam trong bàn tay CS đệ tam quốc tế.

(Bài viết được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn tài liệu)

Ozzie Nguyen

Saturday, April 11, 2015

Miền Nam những ngày tháng 4 năm 1975- Phần 3

Sáng ngày 29/4/1975, "Thủ tướng" Vũ Văn Mẫu đã đọc đi đọc lại liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn một văn bản thông báo của Tân Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam trong 24h. Bản thông cáo đó là Văn thư số 033-TT/VT của Phủ Tổng thống với nguyên văn như sau:

"Tổng thống VNCH

Kính gửi: Ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Thưa ông Đại sứ
Tôi trân trong yêu cầu ông Đại sứ vui lòng chỉ thị cho nhân viên của Cơ quan Tùy viên Quân sự DAO rời khỏi Việt Nam trong 24h kể từ ngày 29/4/1975 để vấn đề hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết

Trân trọng kính chào ông Đại sứ.
Sài Gòn, ngày 28 tháng 4 năm 1975
Ký tên và đóng dấu
VNCH-Tổng thống
Đại tướng Dương Văn Minh"

Trong khi "Tổng thống" Dương Văn Minh hân hoan đuổi người Mỹ ra đi và hy vọng sẽ có cơ hội để nói chuyện với "người anh em bên kia" thì 10h hôm đó, Lê Duẩn đã gửi một điện văn "gửi anh Sáu, anh Tuấn, anh Tư, đồng điện anh Tấn" như sau:

"Bộ Chính trị và Quân ủy đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng băn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung Ương chỉ thị:
1. Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.
2. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy Ban Quân Quản do Tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch.
Sẽ có điện tiếp, nhận được điện trả lời ngay."

Rõ ràng, CSBV không hề nói đến hai chữ "bàn giao" mà ông Dương Văn Minh và nhóm Hòa giải Hòa Hợp của ông mong đợi. Sau khi phúc trình về Bộ Tổng Tư lệnh Thái Bình Dương tại Hawaii, Tướng Smith trình cho Đại sứ Martin biết về phi trường Tân Sơn Nhứt không còn có thể sử dụng được cho phi cơ vận tải C130 và Ông Martin cuối cùng đã phải nhượng bộ vì cho đén ngày 29/4 ông Đại sứ vẫn cương quyết chống lại lệnh di tản tức khắc tất cả người Mỹ ra khỏi Việt Nam của Bộ Ngoại giao. Thâm ý của ông là giữ người Mỹ ở lại để di tản cành nhiều người Việt Nam ra khỏi Sài Gòn thì càng tốt chừng đó. Đại sứ Martin gọi điện thông báo cho Ngoại trưởng Kissinger và ông Kissinger đã trình ngay Tổng thống Gerald Ford. Chỉ sau vài phút, Tổng thống Ford ra lệnh thi hành chiến dịch "Frequent Wind Option IV" tức là kế hoạch di tản toàn bộ người Mỹ ra khỏi Việt Nam vào lúc 10h51' sáng tại Sài Gòn.

Trong ngày 29/4/1975, hàng trăm trực thăng C53 và C46 đã từ Hạm đội 7 ngoài khơi biển Việt Nam bay đến Sài Gòn di tản hàng chục ngàn người Mỹ và người Việt Nam đang tập trung tại các địa điểm như Văn phòng DAO, các cao ốc của người Mỹ và nhất là Tòa đại sứ Hoa Kỳ.

Vào lúc 11h40' tối ngày 29/4/1975, một toán chuyên viên chất nổ của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã phá nổ toàn bộ Tòa Tùy viên Quân lực DAO, tức là Bộ Tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam gọi tắt là MAC-V, nơi mà trong hơn 10 năm đã từng là biểu tượng cho cam kết của Hoa Kỳ với trên nửa triệu quân nhằm chống lại âm mưu thôn tính miền Nam Việt Nam của CSBV. Sự phá hủy cơ sở này là dấu hiệu cho biết rằng đối với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.

* Cựu Tổng thổng Trần Văn Hương những ngày cuối cùng: mặc dù bận rộn việc di tản, đại sứ Martin cũng đã tìm cách gặp Cụ Trần Văn Hương, cựu Tổng thống VNCH tại Phủ Phó Tổng thống lần cuối. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày 29/4/1975. Đại sứ nói: "Thưa Tổng thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm, nhân danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi mời Tổng thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào mà Tổng thống muốn. Chánh phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị tổng thống cho đến lúc tổng thống trăm tuổi già." Tổng thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời: "Thưa ngài Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay là rất nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, Tôi rất cảm ơn ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết rằng CS vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau đơn tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước. Cảm ơn ông đại sứ đã đến viếng tôi."

Đây không phải là lần đầu tiên cụ Trần Văn Hương từ chối lời mời di tản ra ngoại quốc. Trong cuốn hồi ký "Saigon et moi", cựu đại sứ Pháp Mérillon cho biết trước ngày 28/4/1975, ông ta có chuyển lời mời cụ Trần Văn Hương sang sinh sống ở Pháp sau khi giao quyền lại cho Dương Văn Minh thì cụ đã trả lời: "Ông đại sứ à, tôi đâu có ngán VC. Nó muốn đánh, tôi sẽ đánh tới cùng. Tôi chỉ sợ mất nước sống lưu vong đày ở xứ người ta. Nếu trời hại nước tôi, nước tôi mất, tôi thề sẽ ở lại đây và mất theo nước mình".

Năm 1978, khi VC trả lại "quyền công dân" cho Dương Văn Minh, các anh em đang bị tù "học tập cải tạo" đều bị xem hình ảnh và phim chiếu lại cảnh cựu "Tổng thống" Dương Văn Minh đang hồ hởi hân hoan đi bầu cử Quốc hội "đảng cử dân bầu" của CS. Cụ Trần Văn Hương cũng được trả lại "quyền công dân" nhưng cụ đã từ chối. Cựu Tổng thống VNCH Trần Văn Hương đã gửi bức thư sau đến các cấp lãnh đạo chính quyền CS:

"....hiện nay vẫn còn mấy trăm ngàn nhơn viên chế độ cũ, cả văn lẫn võ, từ Phó Thủ tướng, Tổng bộ trưởng, các tướng lãnh, quân nhân, công chức các cấp, các chính trị gia, các vị lãnh đạo tôn giáo, đáng phải đang bị tập trung cải tạo, rỉ tai thì ngắn hạn mà cho đến nay vẫn chưa thấy được về.
Tôi là người đứng đầu lãnh đạo Chánh phủ VNCH, xin lãnh hết trách nhiệm một mình. Tôi xin Chính phủ mới tha họ về hết vì họ là những người chỉ biết thừa hành mệnh lệnh cấp trên, không có tội gì cả. Tôi xin chính phủ mới tha họ về sum họp với vợ con còn lo làm ăn xây dựng đất nước. Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng nhận quyền công dân cho cá nhân tôi."

Cụ Trần Văn Hương đã không hề nhận "quyền công dân" của CS cho đến khi từ trần vào năm 1981 thì cụ vẫn là công dân của VNCH.

* Ngày 30/4/1975: Cuộc di tản vẫn tiếp tục trong đêm cho đến rạng sáng ngày 30/4/1975. Vào lúc 1h30' sáng, Ngoại trưởng Kissinger ra lệnh cho Tòa đại sứ Mỹ phải kết thúc việc di tản vào lúc 3h45' sáng giờ Sài Gòn và Đại sứ Martin phải ra đi trên chuyến trực thăng trước chuyến bay cuối cùng. Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã cố tình cưỡng lại lệnh của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và ông là ân nhân của một số người Việt Nam vì nếu không có ông thì họ không may mắn được di tản ra khỏi Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Ông đã phối hợp di tản được 6000 người Mỹ và 50000 người Việt Nam ra khỏi Sài Gòn. Cuộc di tản vẫn tiếp tục cho đến 7h35' sáng ngày 30/4/1975 thì chiếc trực thăng CH-46 cuối cùng mới rời khỏi sân thượng của Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn mang theo Trung sỹ Juan Valdez, người lính Mỹ và cũng là người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc của chính sách "ủng hộ miền Nam Việt Nam chiến đấu chống lại sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản"

* 10h24' ngày 30/4/1975, "Tổng thống" Dương Văn Minh đã đọc nhật lệnh trên Đài phát thanh Sài Gòn ra lệnh cho tất cả mọi quân nhân thuộc Quân lực VNCH phải buông súng đầu hàng. Ông Dương Văn Minh tuyên bố:

" Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mệnh đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa hợp hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sỹ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu thì ở đó.
Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiên sỹ Chính phủ Cách mạng Lâm Thời CH Miền Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây đang chờ đợi gặp CPCMLTMNVN để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào."

"Thủ tướng" Vũ Văn Mẫu cũng đọc lời kêu gọi mọi tầng lớp dân chúng hãy chào mừng "ngày Hòa bình cho dân tộc Việt Nam" và ra lệnh cho mọi công chức phải trở về nhiệm sở. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng Tham mưu Phó Quân lực VNCH nhân danh Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham mưu Trưởng (vắng mặt) ra lệnh cho tất cả quân nhân các cấp phải nghiêm chính thi hành lệnh của "tổng thống" Dương Văn Minh.

Dương Văn Minh chỉ kêu gọi những "người anh em bên kia" trong cái gọi là "Chính phủ CMLTMNVN", nhưng ông ta không hề biết rằng những người mà ông ta kêu gọi không hề có một chút quyền hành nào. Những kẻ có quyền lực lúc đó như Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, ba Ủy viên Bộ Chính trị đại diện CS Hà Nội đang thực sự nắm quyền trong chiến dịch HCM thì ông ta lại không hề đả động tới. Ông "tổng thống" không thể nào biết rằng trưa ngày hôm đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã gửi điện văn số 516/TV ra lệnh cho các cấp lãnh đạo Chiến dịch HCM phải "bắt địch đầu hàng vô điều kiện" chứ không phải thương lượng. Ngoài điện văn trên, chính Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy TW cũng đã gửi bức điện văn số 151 ngày 30/4/1975 gửi cho " anh Sáu" tức Lê Đức Thọ, "anh Bảy" tức là Phạm Hùng, "anh Tuấn" thức là Văn Tiến Dũng, "anh Tư" tức là Trần Văn Trà, và "anh Tấn" tức là Lê Trọng Tấn nội dung như sau:

"Theo ý kiến của Bộ Chính trị và Quân ủy TW

1. Việc chỉ đạo của Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định (kể cả những mệnh lệnh, tuyên bố) giao cho TW Cục và Quân ủy Miền Nam phụ trách.

2. Hôm nay sẽ ra một lời kêu gọi của Bộ chỉ huy Quân Giải phóng. Chúng tôi đang dự thảo vào cho phát.

3. Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách Tổng thống mà chỉ với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân.

4. Sẽ tuyên truyền lớn về thắng lợi giải phóng Sài Gòn-Gia Định, nhưng nhấn mạnh cuộc chiến đấu đang tiếp tục nhằm hoàn toàn giải phóng miền Nam. Đã chỉ thị chuẩn bị ngày mừng chiến thắng, sau khi hoàn thành việc giải phóng miền Nam sẽ tổ chức thống nhất cả nước. Anh Tố Hữu sẽ điện cho các anh.

5. Mười một giờ đã nhận được tin ta cắm cờ trên Dinh Độc Lập.

Gửi các anh lời chúc đại thắng lợi
Các anh Bộ Chính trị rất vui, rất vui..."

Rõ ràng trước khi xe tăng của CSBV ủi cổng sắt - đã được mở rộng - để vào chiếm Dinh Độc Lập, nơi mà "Tổng thống" Dương Văn Minh cùng với nhân viên trong "nội các" của họ để chờ "bàn giao" cho CS thì các giới lãnh đạo Hà Nội đã quyết định không coi ông như là "Tổng thống" mà chỉ là " một người đã sang hàng ngũ nhân dân" tức là một kẻ đầu hàng không điều kiện. Các sỹ quan CS cấp dưới cũng đã nhận lệnh này cho nên đối với họ thì những người tự nhận là tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng v.v... đang ngồi trong Dinh Độc Lập chỉ là những kẻ đầu hàng mà thôi. Bởi vậy, khi chiến xa 879 của Lữ đoàn Thiết Giáp 203 của CSBV ủi sập hàng rào sắt tiến vào Dinh, "Tổng thống" Dương Văn Minh vì không biết cấp bậc nên khi thấy vị Sỹ quan CS đeo đầy sao trên cầu vai nên đã tưởng rằng tướng lãnh cao cấp, đã nói: "Thưa Quan Sáu, tôi đã chờ ông từ ban sáng để trao quyền cho ông". Viên sỹ quan Bắc Việt này là Thượng tá Bùi Tùng đã dùng danh từ "mày, tao" lên tiếng: "Mày dám nói trao quyền hả? Mày chỉ là một kẻ cướp quyền và bù nhìn. Mày làm gì có quyền nào để trao cho tao. Chúng tao lấy được quyền đó là nhờ khẩu súng này đây. Ngoài ra tao xác nhận với mày là tao không phải là tướng mà chỉ là một trung tá ủy viên chính trị của một đơn vị chiến xa. Kể từ bây giờ tao cấm mày không được ngồi xuống". Người thuật lại những lời đôc thoại trên là cựu Đại tá Dương Hiếu Nghĩa, một người rất thân cận với ông Dương Văn Minh, trích trong "Hồi ký Dang Dở".

Chiều hôm đó, CS cho phép Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng tại Dinh Độc Lập tức là Phủ Tổng thống của VNCH, lời keu gọi được đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn như sau:

"Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực VNCH hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ CMLT Miền Nam Việt Nam"

Kể từ ngày hôm đó Sài Gòn đã mất tên, Quốc gia VNCH không còn nữa, miền Nam Việt Nam tự do cũng không còn nữa

Người lính Miền Nam bi hùng là thế đó, họ đã ở lại tới giờ phút cuối cùng vào trưa ngày 30/4/1975, thử hỏi có quân đội nào anh hùng hơn họ. Quân lực VNCH đã bị "đem con bỏ chợ" chiến đấu trong thiếu thốn, thiếu cấp chỉ huy, thiếu đại dược, thuốc men, xăng dầu, quân dụng. Trong khi Bắc Việt với tham vọng bá quyền chấp nhận đem giang sơn ra thế chấp cho đệ tam CS nến cả khối XHCN như Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba.... hết lòng giúp đỡ từ cây kim hạt gạo cho tới đạn dược, vũ khí. Nhưng dù gặp nguy hiểm, các lộ quân còn lại của Quân lực VNCH vẫn chống trả quân CSBV trên khắp các tuyến đường dẫn vào Sài Gòn. Chính hành động phi thường đó nên dù không còn nữa, Quân lực VNCH vẫn được Thế giới ngợi khen như Peter Kohn đã viết trên tờ Wall Street Journal:

"Quân đội VNCH là một quân đội can đảm và chiến đấu lão luyện. Quân đội ấy đã chiến đấu giỏi trên nhiều địa danh, mà người Mỹ hoặc Thế giới biết hay chưa biết tới. Quân đội ấy đã hào hùng ngạo nghễ với địch, qua hàng ngàn chiến trận, tiền đồn hẻo lánh hiu hắt. Quân đội ấy không được trang bị như quân Mỹ hay bộ đội CS Hà Nội. Thế nhưng từ khi Hoa Kỳ rút quân về nước hay lúc đầu quân Mỹ chưa vào Việt Nam, vẫn hiên ngang chiến đấu trong suốt 20 năm khói lửa, gần như bảo toàn lãnh thổ của cha ông từ phía bên này Vỹ tuyến 17 cho tới Cà Mau, đến khi bị Việt gian đâm sau lưng, CS bắt trước mặt, mới đành để mất giang sơn vào tay đệ tam CSQT

Cũng chính vì chiến đấu khắp các mặt trận, nên đã có hàng trăm ngàn người lính phải chết, hàng triệu thương phế binh, cô nhi, quả phụ. Tới giờ phút cuối cùng, đã biết nước sắp mất, chết chỉ thêm uổng mạng nhưng họ vẫn hiên ngang chiến đấu tại Khánh Dương, Phan Rang, Phan Thiết, Xuân Lộc, Long An, Tây Ninh, Củ Chi, Biên Hòa và Sài Gòn. Tất cả đều là những chiến tích để đời và lưu danh thiên cổ trong dòng sử Việt.

Cuối cùng trong giờ thứ 25, Quân lực VNCH đã xử sự mộ cách mã thượng anh hùng. Thay vì dùng vũ lực bắt trọn Tòa đại sứ và cơ quan DAO làm con tin (như Iran đã từng làm) để gây áp lực, bắt Hoa Kỳ phải giữ trọn lời hứa, dùng B52 đuổi bộ đội CS rút về phía bên kia giới tuyết 17, như Hiệp định Geneve năm 1954 và Hiệp đinh Paris 1973. Nhưng họ đã không làm vậy, vẫn tôn trọng kỷ luật quân đội, biểu lộ nét hào hùng văn hiến ngàn đời của một dân tộc có văn minh, văn hóa, khi cố gắng phòng thủ và tiếp tục chiến đấu khắp nơi, giúp cho Mỹ và những đồng đội, cấp chỉ huy hèn nhát, bỏ chạy khỏi nước một cách an toàn, trước khi CS vào Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Họ đáng được ca tụng và kính phục"

(Bài viết được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn tài liệu)

Ozzie Nguyen
(Hết)

Saturday, April 4, 2015

Miền Nam những ngày tháng 4 năm 1975 - Phần 2

* Ngày 17/4/1975: CS tấn công vào phía Nam thị xã Xuân Lộc do hai tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 2 Nhảy Dù án ngữ. Không quân đã dùng nhiều phi tuần F5 và A37 oanh kích các vị trí CS đóng quân.


* Ngày 18/4/1975: Sau khi Ninh Thuận thất thủ, Bình Thuận trở thành phòng tuyến cuối cùng của VNCH tại miền Trung. Theo ghi nhận của Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh thì trong tình hình Phan Thiết bất ổn, ông đã dặn riêng Trung tá Tôn Thất Hồ Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 6 Bộ Binh chuẩn bị các ghe đánh cá thuê của dân khi cần sẽ rút về Vũng Tàu. Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên viết theo sự cung cấp thông tin của Chuẩn tướng Trần Đình Thọ - Trưởng phòng 3 Bộ Tổng tham mưu và theo lời một số sỹ quan có mặt tại Phan Thiết thì tỉnh này thất thủ vào ngày 18/4/1975 và đến ngày 19/4/1975 toàn tỉnh Bình Thuận lọt vào tay CS.

* Ngày 19/4/1975: Cộng sản tung một trung đoàn tấn công ồ ạt vào tuyến phòng ngự của một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 43 Bộ Binh. Quân phòng trú đã dũng cảm  đánh trả. Sau nhiều giờ tử chiến với CS tuyến phòng thủ Định Quán bị vỡ trong ngày.

* Ngày 20/4/1975: tại chiến trường Long Khánh rạng sáng ngày 20/4/1975, hai trung đoàn CS từ hướng Đông Nam Xuân Lộc tiến thẳng vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh và Bộ Chỉ huy Tiểu khu Long Khánh. Trong tình thế cấp bách, 10h sáng ngày 20/4/1975 theo lệnh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh đã có một cuộc họp khẩn cấp với chỉ huy trưởng các đơn vị tăng phái và Tiểu khu trưởng Long Khánh. Trong vòng 1 giờ, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh phổ biến lệnh mới của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 là toàn bộ lực lượng VNCH rút khỏi Xuân Lộc.

* Tại Sài Gòn sáng ngày 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập Hội đồng An Ninh Quốc Gia với sự tham gia của Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3, Trung tướng Nguyễn Văn Minh Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình (Tư lệnh CSQG). Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên, trong cuộc họp này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã thông báo quyết định từ chức và trao quyền lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Ông nói rằng Hoa Kỳ muốn ông từ chức và dù ông có bằng lòng hay không thì nhiều tướng lãnh cũng muốn ông phải rút lui. 19h30ph ngày 21/4/1975, lễ bàn giao chức vụ Tổng thống đã diễn ra tại Dinh Độc Lập và được truyền hình trực tiếp. Trận chiến tại phòng tuyến Quân khu 3 lúc đó vẫn diễn ra ác liệt.

* Ngày 22/4/1975: Quân đoàn 3 lập phòng tuyến Trảng Bom. Sau hơn 10 ngày quyết chiến với 4 sư đoàn CS ngày 20/4/1975, toàn bộ lực lượng VNCH tham chiến tại Xuân Lộc được lệnh rút về Phước Tuy. Lộ trình rút quân là các cánh quân sẽ xuất phát từ Tân Phong, Giao Long theo Liên tỉnh lộ 2 về Phước Tuy. Cánh quân của Sư đoàn 18 Bộ Binh rút đi tương đối an toàn, còn cánh quân do Đại tá Phạm Văn Phúc tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Long Khánh chỉ huy đã bị quân CS chặn đánh. Các lực lượng rút sau cùng, các tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã phải tử chiến với các Trung đoàn Cộng quân trên đường rút lui. Lộ trình rút quân của Lữ đoàn Dù dài hơn 40km đường rừng ven theo Liên tỉnh lộ 2 từ Tân Phong đến Đức Thành, Long Lễ về Bà Rịa... Trong cuộc rút quân, họ được lệnh mang theo tất cả đạn dược, quân trang, quân dụng nhưng điều đau xót là họ không thể mang theo những đồng đội của mình đang bị thương nặng. Họ phải cố nén đau thương bỏ lại đồng đội vĩnh viễn ở lại chiến hào. Trước lúc lên đường, họ sửa lại thế nằm của đồng đội, vuốt từng đôi mắt sau khi các quân y sỹ, y tá quân y đã chích cho thương binh những mũi thuốc an thần, họ đứng nghiêm chào vĩnh biệt đồng đội. 4h sáng ngày 21/4/1975, tại ấp Quý Cả, địa giới hai tỉnh Long Khánh và Phước Tuy, đoàn xe chở Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù và Đại đội Trinh sát Dù bị 2 tiểu đoàn Cộng quân phục kích, đa số binh sỹ đều bị thương vong, tổn thất.

Để diệt các chốt của Cộng quân, các Toán cảm tử Dù được thành lập ngay tại trận địa với những quân nhân tình nguyện. Ngày 22/4/1975, cuộc rút quân hoàn tất. Sư đoàn 18 Bộ Binh sau khi vè đến Long Lễ trong ngày 21/4/1975 đã được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cho di chuyển nghỉ dưỡng quân tại Long Bình. Sau đó, các trung đoàn được điều động tăng cường phòng tuyến phía Đông Thủ đô Sài Gòn. Kể từ ngày 22/4/1975, phòng tuyến án ngữ phía Bắc và phía Đông của Quân đoàn 3 được hình thành với Liên tuyến Trảng Bom - Long Thành - Phước Tuy, lực lượng chính là Sư đoàn 18 Bộ Binh, Lữ đoàn 1 Dù, Lữ đoàn 3 Thiết Kỵ (Chuẩn tướng Trần Văn Khôi chỉ huy) và Lữ đoàn 468 Thủy Quân Lục Chiến. Về lực lượng phòng thủ vòng đai xa của Sài Gòn tính đến 22/4/1975 có 3 Sư đoàn Bộ Binh: Sư đoàn 18 do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, Sư đoàn 25 do Tướng Lý Tòng Bá chỉ huy, Sư đoàn 5 do Tướng Lê Nguyên Vỹ chỉ huy.

* Ngày 22/4/1975: Mặt trận Tây Ninh. Áp lực của Cộng quân gia tăng đáng kể từ nhiều hướng tiến đánh Sài Gòn, chúng mở nhiều cuộc tấn công vào một số vị trí đóng quân của lực lượng VNCH trên mặt trận Tây Ninh. Tại Bình Dương, Biên Hòa chúng tăng các đợt pháo kích bằng hỏa tiễn và đại bác 130mm. Cùng ngày, lực lượng VNCH tại Long Khánh hoàn tất triệt thoái rút về bảo vệ vòng đai SG và Biên Hòa..

* Ngày 23/4/1975: 6h chiều, với chức danh Tổng trưởng Quốc Phòng, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn đã họp các tướng lĩnh tại văn phòng Tổng Tham mưu trưởng. Tại cuộc họp cựu Trung tướng nói: "Dù có thương thuyết để đình chiến, chúng ta cũng cố giữ những gì chúng ta có". Ông yêu cầu Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3/Quân khu 3 sắp xếp lại tuyến phòng thủ để bảo vệ Sài Gòn. Theo hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, sau khi Tổng thống Thiệu từ chức, Tòa đại sứ Pháp đã nhảy vào chính trường Việt Nam. Cố vấn chính trị của sứ quán Pháp, Ông Brochand đã gặp cựu Trung tướng Đôn nói: "Nếu có thương thuyết thì CS Hà Nội chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi". 10h tối ngày 22/4/1975, Tướng Đôn gặp ông Minh hỏi: "Anh có thể thương thuyết với bên kia không?", ông Minh đáp: "Được, nhưng phải thật lẹ, nếu không chúng ta không có hy vọng". Ông Minh đề nghị Tướng Đôn đi gặp Đại sứ Mỹ Martin để thuyết phục ông Trân Văn Hương. Ông Martin hứa với Tướng Đôn sẽ thuyết phục Tổng thống Hương. Lúc đó là 1h sáng ngày 23/4/1975. Cũng theo hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn trong ngày 23/4/1975, một số tướng lãnh và sỹ quan cao cấp do Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, nguyên Chỉ huy trưởng Trường Chỉ huy Tham mưu, đang giữ chức Tổng Cục trưởng Quân Huấn, Trung tướng Vĩnh Lộc, Nguyên Chỉ huy trưởng Trường Cao đẳng Quốc Phòng đã đến dinh Tướng Đôn. Phái đoàn đề nghị với tư cách Tổng trưởng Quốc Phòng chỉ định người thay thế Đại tướng Cao Văn Viên, vì theo họ Đại tướng Viên không còn thiết tha với quân đội. Tướng Đôn hỏi Trung tướng Trị: "Vậy ai có thể thay thế Tướng Viên?", Trung tướng Trị trả lời: "Trung tướng Nguyễn Đức Thắng". Tướng Đôn viết trong hồi ký rằng ông biết rõ khả năng của Trung tướng Thắng và đã gợi ý nhưng Tướng Thắng từ chối (Tướng Thắng xuất thân khóa 1 Sỹ quan Trừ bị Nam Định - Thủ Đức 1952, là một trong 4 Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Binh chủng Pháo binh 1960-1969). Tại cuộc gặp này, bên cạnh vấn đề thay thế Đại tướng Viên, một số tướng lãnh còn đề nghị cựu Tướng Đôn nên bắt tất cả những người Mỹ còn lại làm con tin để Mỹ tiếp tục viện trợ giữ miền Nam. Cựu Tướng Đôn cũng phân tích là hơn 1000 người Mỹ còn lại ở Việt Nam muốn cùng quân đội VNCH chiến đấu đồng thời xoay chuyển dư luận Mỹ yểm trợ cho Việt Nam.

Cuối cùng ông khuyên mọi người cần phân biệt chính quyền Mỹ và những người Mỹ tại Sài Gòn. Ông nói rằng chính quyền Mỹ tại Sài Gòn chỉ có ông Đại sứ đại diện, bỏ rơi Việt Nam là Chính phủ Mỹ và Quốc hội Mỹ, chứ không phải là người Mỹ đang ở Saig Gòn, nếu bắt họ làm con tin thì tội nghiệp cho họ và chẳng có ích lợi gì. Trong khi chưa tìm ra một người để giao trọng trách chỉ huy Quân đội VNCH trong giai đoạn vô cùng cam go thì ngày 23/4/1975, nội các do ông Nguyễn Bá Cẩn và Thủ tướng nộp đơn lên Tổng thống Trần Văn Hương xin từ chức.

* Ngày 25/4/1975: Giao tranh ác liệt tại phòng tuyến Bình Dương. Các đơn vị Địa phương quân và Nghĩa quân tại đây bị các trung đoàn của CS tấn công liên tục. Mục đích của chúng là muốn chọc thủng mặt Đông Bình Dương và mặt Tây Biên Hòa để tiến vào Sài Gòn. Cùng lúc này, tại mặt trận Long An, Sư đoàn 22 Bộ Binh được giao nhiệm vụ phòng thủ vòng đai thị xã. Các đơn vị của Sư đoàn 22 thuộc quyền điều động của Biệt khu Thủ Đô Trung tướng Nguyễn Văn Minh làm Tư lệnh.

* Ngày 26/4/1975: 6h chiều mặt trận Phước Tuy căng thẳng trở lại. Cộng quân pháo kích vào thị xã Bà Rịa, Bộ Chỉ huy Tiểu khu Phước Tuy, Tư dinh Tỉnh Trưởng, Trung Tâm Huấn luyện Vạn Kiếp. Trận mưa pháo kích kéo dào 3h làm hư hỏng toàn bộ hệ thống điện thị xã Bà Rịa. Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh điều động một Tiểu đoàn Dù tổ chức các cuộc phản công đánh đuổi CS ra khỏi thị xã. Tiểu đoàn Dù đã bắn cháy 5 chiến xa ngay trong đêm. Cũng trong tối 26/4/1975, Cộng quân tấn công chiếm Long Thành và cắt đứt Quốc lộ 15 nối Vũng Tàu và Sài Gòn.

* Sáng ngày 27/4/1975 Tổng thống Trần Văn Hương mở cuộc họp đặc biệt tại dinh gồm các thành phần: Ông Trần Văn Linh, Chủ tịch tối cao Pháp viện; ông Trần Văn Lâm, Chủ tịch Thượng viện; ông Phạm Văn Út, Chủ tịch Hạ Viện; cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng và một phụ tá Tư pháp của Tổng thống. Tại cuộc họp Tổng thống đã nhắc lại hai đề nghị trong phiên họp Quốc hội ngày 26/4/1975:

- Giao cho Tổng thống đương nhiệm quyền chỉ định một Thủ tướng toàn quyền
- Bầu ông Dương Văn Minh làm Tổng thống.

Theo hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Tổng thống Trần Văn Hương có mời ông Minh là Thủ tướng toàn quyền nhưng ông Minh không nhận mà yêu cầu ông phải từ chức giao chức vụ tổng thống cho ông Minh để ông Minh có toàn quyền nói chuyện với Việt Cộng. Trong phiên họp đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội, Tổng trưởng Quốc Phòng có tóm tắt tình hình quân sự: Sài Gòn đang bị bao vây bởi 15 Sư đoàn CSBV đặt dưới quyền 3 Quân đoàn CSBV, Quốc lộ Sài Gòn - Vũng Tàu bị cắt đứt. 8h20' tối ngày 27/4/1975, Đại hội đồng lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu (136 phiếu thuận - 2 phiếu chống) chấp thuận trao chức vụ Tổng thống VNCH cho ông Dương Văn Minh.

* Ngày 28/4/1975: Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh, cựu Đại tướng. Trong buổi lễ này Quân lực VNCH cử Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không quân và Trung tướng Đồng Văn Khuyên Tham mưu trưởng Liên quân thay mặt Đại tướng Cao Văn Viên dự lễ. Sau nghi lễ nhậm chức, ông Dương Văn Minh đã giới thiệu ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng. Ông Dương Văn Minh đã tuyên bố đường lối của mình là "sẽ chấm dứt chiến tranh bằng thương thuyết và hòa giải với Mặt trận Giải phóng Miền Nam". Sau buổi lễ trở về nhà Tướng Đôn điện thoại cho Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Không quân thì được báo có 3 phi cơ của Không Quân VNCH bị bỏ lại ở Đà Nẵng và Việt Cộng đã sử dụng để bay vào Sài Gòn dội bom. Hai phản lực cơ F5 của Không Quân đã nghinh chiến đuổi 3 phi cơ này.

Tình hình chiến sự ngày 28/4/1975 ghi nhận nhiều diễn biến căng thẳng. Cộng quân gia tăng áp lực vanh đai Sài Gòn. Chúng đã điều động 2 sư đoàn thuộc Quân đoàn 1 CSBV tiến sát phòng tuyến do các trung đoàn 7, 8, 9 của Sư đoàn 5 Bộ Binh. Trong cuộc tiến công chiếm Bến Sắn với mục tiêu chọc thủng mặt Đông Bình Dương và mặt Tây Biên Hòa chúng gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của Sư đoàn 5 Bộ Binh và bị tổn thất nặng. Cũng trong ngày, căn cứ Không Quân Biên Hòa bị pháo kích dữ dội.

* Ngày 29/4/1975: 4h sáng Cộng quân pháo kích đại bác 130ly và hỏa tiến 122ly vào khu vực phi trường  Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH và Bộ Tư lệnh Hải Quân ở Bến Bạch Đằng. Sau trận pháo kích này, kế hoạch di tản người Mỹ và người Việt tỵ nạn bằng phi cơ C130 xem như bị hủy bỏ hoàn toàn. 10h30' sáng Tướng Homer Smith, Tùy viên Quân lực tại Sài Gòn gọi điên cho Đô đốc Noel Gayler, Tổng tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tại Honolulu báo cáo rằng phi trường Tân Sơn Nhứt không còn tình trạng sử dụng được nữa. Vào lúc 7h sáng tại Washington tức là 7h tối tại Sài Gòn, Hộ Đồng An Ninh Quốc Gia đã triệu tập phiên họp khẩn cấp dưới sự chủ tọa của Tổng thống Gerald Ford và Ngoại trưởng Henry Kissinger nhằm tìm giải pháp hữu hiệu để di tản người Mỹ còn lại ở Sài Gòn

(Bài viết được phân tích và tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu)
Ozzie Nguyen

(Hết phần 2)

Wednesday, March 25, 2015

Miền Nam những ngày tháng 4 năm 1975 - Phần 1


Đó là những ngày tháng cuối cùng chấm dứt một thể chế non trẻ nhưng ưu việt, chấm dứt cuộc sống thiên đường của những con người bên kia vĩ tuyến 17. Ngày cuối cùng của tháng 4, văn minh đã sụp đổ trong sự uất hận đến nghẹn ngào của bao người dân miền Nam Việt Nam. Và Sài Gòn đã mất tên kể từ ngày đó, miền Nam tự do không còn nữa, Ngược dòng lịch sử quay lại 40 năm trước để cùng mở lòng ghi lại sự thật, những sự thật được xây bằng máu và nước mắt.

* Ngày 1/4/1975: Khánh Dương - Khánh Hòa: CSBV mở nhiều cuộc tấn công vào các vị trí phòng thủ của các đơn vị VNCH đóng tại Khánh Hòa. Tại Khánh Dương, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù do Trung tá Lê Văn Phát chỉ huy đã kịch chiến với 4 Trung đoàn và 2 Sư đoàn của CS. Theo ghi nhận của phóng viên chiến trường trong tình thế nguy cấp Trung tá Lê Văn Phát trình Thiếu tướng Phạm Văn Phú Tư lệnh Quân đoàn 2 xin tăng viện và phát thêm hỏa tiễn Tow chống chiến xa. Tướng Phú yêu cầu Lữ đoàn 3 cố gắng chờ quân của Sư đoàn 22 Bộ Binh từ Quy Nhơn rút vào. 2h chiều ngày 1/4/1975, khi đang trên máy bay từ Khánh Dương về Phan Rang, Tướng Phú chỉ thị cho Đại tá Lê Hữu Đức quyền Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh về cố thủ Động Ba Thì -  Cam Ranh.



* Ngày 2/4/1975: Ngày cuối cùng trên chiến trường của Tư lệnh Quân đoàn 2 Phạm Văn Phú. Những giờ phút cuối cùng của vị tướng này tại Nha Trang đầy bi tráng. Trong Nhật ký chiến  trường của Thiếu tá Phạm Huấn đã ghi lại đầy đủ: "Đêm ngày 1/4/1975, Thiếu tướng Phú nằm dưới chân núi, trên cái giường bố, tại ban chỉ huy của một tiểu đoàn Địa phương quân Ninh Thuận. 1h45 ngày 2/4/1975, Tướng Phú bay đến ngọn đồi "Lầu Ông Hoàng" ở Phan Thiết để cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu Tư lệnh Phó Quân đoàn 3 thảo luận về việc bàn giao phần lãnh thổ còn lại của Quân đoàn 2 cho Quân đoàn 3. Trước đó. vào 5h chiều ngày 30/3/1975, Tướng Phú đã bay ra Cam Ranh, để cùng Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, Tư lệnh Hải quân vùng 2 Duyên Hải để đón Trung tướng Trưởng đang bị bệnh. Thiếu tướng Phú ghé sát tai Trung tướng hỏi hai lần nhưng sắc lệnh Trung tướng không thay đổi nhưng có 1 giây Trung tướng ngước nhìn lên, đôi mắt như bật máu vì uất ức. Cuộc gặp gỡ của hai vị Tư lệnh quân đoàn diễn ra đúng 10 phút. Sau đó, Thiếu tướng Phú đứng nghiêm chào Tư lệnh Trung tướng Trưởng, rồi ông bước nhanh ra khỏi căn phòng nhỏ của chiến hạm. Những sự kiện bi tráng đang chờ đợi ông, người hùng Điên Biên Phủ năm nào".



* Ngày 3/4/1975: Mặt trận Phan Rang. Tình hình Ninh Thuận thực sự hỗn loạn nhốn nháo sau khi các đơn vị triệt thoái khỏi Nha Trang. Cùng lúc đó lực lượng còn lại của Quân đoàn 3 triệt thoái khỏi Đà Nẵng bằng tàu Hải Quân và cập bến Vũng Tàu. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu tướng Bùi Thế Lân chỉ huy đã phối trí lực lượng bảo vệ phòng tuyến Vũng Tàu.

* Ngày 4/4/1975: Quân đoàn 3 lập phòng tuyến tại Ninh Thuận, Tổng thống Thiệu cử Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh Phó Quân đoàn 3 trực tiếp chỉ huy Bộ Tư lệnh Tiền phương. Trật tự an ninh tỉnh Ninh Thuận đã được vãn hồi, tình hình Phan Rang lắng dịu sau những hỗn loạn.

* Ngày 5/4/1975: Đại tướng Trần Thiện Khiêm Thủ tướng Chính phủ kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng đã nộp đơn lên Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu xin từ chức và được chấp thuận.



* Ngày 6/4/1975: Mặt trận Bình Thuận. Tin tức chiến trường cho biết Sư đoàn 7 CSBV sau khi mở cuộc tấn công vào Cao Nguyên đã điều động về hoạt động tại Bình Thuận. Chúng triển khai lực lượng tại phía Tây Phan Thiết. Trong khi đó cách Cam Ranh - Khánh Hòa 50km về phía Tây có Sư đoàn 3 và Sư đoàn 10 CSBV. Trước tình hình đó Bộ Tổng tham mưu đã điều động Lữ đoàn 2 Nhảy Dù ra Phan Rang bằng không vận thay thế cho Lữ đoàn 3 đang trên đường về Sài Gòn. Cùng với Lữ đoàn 2 còn có các Toán Thám Sát của Nha Kỹ Thuật đến hoạt động tại Đông Bắc và Tây Bắc Phan Rang.


* Ngày 7/4/1975: CSBV gia tăng áp lực tại Bình Dương thuộc khu vực quản lý của Sư đoàn 5 Bộ Binh do Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ là Tư lệnh và tại Long Khánh thuộc khu vực quản lý của Sư đoàn 18 Bộ Binh do Chuẩn tướng Lê Minh Đảo là Tư lệnh.

* Ngày 8/4/1975: Trên quốc lộ 20: 3 Sư đoàn CSBV đã gia tăng áp lực phòng tuyến Long Khánh tiến chiếm một đoạn đường dài trên Quốc lộ 20. Để ngăn chặn các cuộc tấn công của CS, Không quân VNCH đã thực hiện phi tuần oanh tạc vào các vị trí đóng quân của CS. Tuy nhiên do mạng lưới phòng không dày đặc của các trung đoàn pháo binh phòng không nên phi tuần đã gặp khó khăn.

* Ngày 9/4/1975: Mặt trận Long An, phạm vi trách nhiệm của Sư đoàn 25 Bộ Binh. 6h30' sáng ngày 9/4/1975 một tiểu đoàn đặc công CSBV đã đột nhập vào thị xã Tân An-Long An. Lực lượng Địa phương quân đã đẩy lùi được cuộc tấn công này vào lúc 2h chiều cùng ngày hạ tại chỗ 25 địch quân, thu nhiều vũ khí. Cùng ngày mặt trận Long Khánh bùng nổ, CS đã pháo kích như mưa vào căn cứ không quân Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, căn cứ tiếp vận Long Bình. Cũng trong khoảng thời gian đó CS tấn công vào khu vực ngã ba Dầu Giây. Kế hoạch của CS là muốn chiếm Dầu Giây để từ đó tấn công vào tuyến phòng thủ của Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 Bộ Binh. Theo tài liệu của Phòng 3 Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH được Đại tướng Cao Văn Viên ghi lại trong hồi ký thì tính đến sáng ngày 9/4/1975 các đơn vị phòng ngự gồm: Sư đoàn 18 Bộ Binh, Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bộ Binh, Thiết đoàn 3, 2 Tiểu đoàn Biệt Động Quân, 2 Tiểu đoàn Pháo binh. Tư lệnh mặt trận Long Khánh là Chuẩn tướng Lê Minh Đảo.

Theo bản tin chiến sự của báo Chính Luận VNCH số ra ngày 10/4/1975 thì diễn tiến trận giao tranh Xuân Lộc được ghi nhận như sau: 7h30' sáng ngày 9/4/1975, CS mở nhiều cuộc tấn công vào vị trí phòng ngự của các chiến đoàn 316, 318 và 320 và sử dụng thiết giáp có bộ binh tùng thiết tấn công vào trung tâm tỉnh Long Khánh. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã phải điều động thêm lực lượng, trận chiến trở nên dữ dội và đẩy lùi được các đợt tấn công của CS. Đến 6h chiều ngày 10/4/1975 các chốt cầm cự của CS tại Xuân Lộc đã bị đẩy lùi.

* Ngày 10/4/1975: Trận chiến Xuân Lộc. Sáng ngày 10/4/1975 CS mở cuộc tấn công đợt 2 với khoảng 1 ngàn quả đạn pháo đủ loại vào Xuân Lộc và kéo dài trong vòng 1 giờ. Tiếp đó, các đơn vị bộ binh và thiết giáp đồng loạt tấn công Xuân Lộc từ hai hướng Đông Bắc và Tây Bắc. Còn tại ngã ba Dầu Giây, CS áp dụng chiến thuật "xa luân chiến" thay phiên nhau tấn công vào hệ thống công sự phòng thủ.

* Ngày 11/4/1975: trận chiến Xuân Lộc bước vào ngày thứ 3. Sau hai ngày giao tranh lực lượng phòng ngự VNCH đã thu được gần 200 vũ khí các loại, bắn cháy 8 chiếc T54. Sang ngày thứ 3 trận chiến vẫn diễn ra ác liệt. Tại ngã ba Dầu Giây liên tục trong ba ngày 9, 10 và 11/4/1975, CS đã tung 2 trung đoàn thiết giáp yểm trợ quyết chiếm khu vực này để làm bàn đạp mở các cuộc tấn công lớn vào phòng tuyến của Trung đoàn 52 Bộ Binh án ngữ tại Tây Bắc thị xã. Tuy nhiên mọi cuộc tấn công đều bị đẩy lùi.

* Ngày 12/4/1975: kịch chiến tại Xuân Lộc. Trong ngày này trận chiến ở Long Khánh trở nên quyết liệt khi CS tung thêm 1 sư đoàn có bí số CT7 (Công trường 7) vào mặt trận ngã ba Dầu Giây, 1 trung đoàn biệt lập và 1 trung đoàn thiết giáp. Trước áp lực đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tung lực lượng trừ bị cuối cùng vào trận chiến là Lữ đoàn 1 Nhảy Dù với 4 tiểu đoàn và Tiểu đoàn 3 Pháo binh.

* Ngày 13/4/1975: Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tác chiến Bảo Định, Long Khánh. Sau khi di chuyển từ Biên Hoa đến Trảng Bom lực lượng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù được phối trí: hai tiểu Dù đầu tiên hành quân trực thăng vận xuống ấp Bảo Bình cách Long Khánh 5km về hướng Nam và cách Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh về hướng đông. Hai tiểu đoàn nhảy dù này được lệnh tác chiến thị xã Bảo Định cách Bảo Bình 2km về hướng Bắc. Một tiểu đoàn Dù thứ ba được đổ xuống một khu vườn cao su bên suối Gia Cốp cách Bảo Định 1km về hướng Bắc. Tiểu đoàn thứ 4 được đổ xuống ngay Xuân Lộc để giải tỏa áp lực CS đang bao vây Bộ chỉ huy Tiểu khu và phòng tuyến 1 Địa phương quân.

* Ngày 14/4/1975: Sau 9 ngày tiến hành tuyển chọn nhân sự để thành lập chính phủ, Tân thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn trình diện nội các lên Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Tân chính phủ có 3 Phó thủ tướng, 4 quốc vụ khanh, 15 tổng trưởng, 1 bộ trưởng (Phủ thủ tướng), 6 thứ trưởng. Cùng ngày tại ngã ba Dầu Giây, CS đồng loạt tấn công và vị trí phòng thủ Trung đoàn 52 Bộ Binh. Trước tình hình đó Bộ Tư lệnh tăng viện lên mặt trận ngã ba Dầu Giây để giữ phòng tuyến này.

* Ngày 15/4/1975: trận chiến tại ngã ba Dầu Giây đã bước vào ngày thứ 7 và vô cùng quyết liệt. Thế trận và tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch: lực lượng phòng trú chỉ còn 2000 quân trong khi CS đông gấp 10 lần. Sau 3 giờ kịch chiến, CS đã tràn ngập chia cắt các lực lượng của Quân lực VNCH trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20. Khoảng 8h tối ngày 15/4/1975 toàn phòng tuyến ngã ba Dầu Giây bị vỡ, lực lượng chỉ còn 200 người rút về tuyến sau. Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên, cuối tháng 2 năm 1975 Đại tướng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cung cấp những vũ khí mà Không quân Việt Nam có thể sử dụng được. Đó là 15 quả bom ngàn cân Anh có tên là bom bạch cúc thường dùng để thả bằng phi cơ C130. Tuy nhiên đến gần cuối cuộc chiến, Hoa Kỳ mới đáp ứng yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH. Giữa tháng 4 năm 1975 ba trái chuyển đến trước và sau đó chỉ hai ngày trước khi cuộc chiến kết thúc. Quay trở lại tình hình cuộc chiến tại Long Khánh, để tăng viện, Bộ  Tư lệnh Quân đoàn 3 đã điều động Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, lực lượng trừ bị cuối cùng vào mặt trận Xuân Lộc.

* Ngày 16/4/1975: Phòng tuyến Phan Rang. Phòng tuyến Phan Rang được tăng cường lực lượng với nỗ lực chính là Lữ đoàn 2 Nhảy Dù và các Toán Thám sát của Nha Kỹ Thuật. Sau khi Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 được thành lập tại Phan Rang do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi giữ chức Tư lệnh, tình hình an ninh, trật tự tại Ninh Thuận được vãn hồi nhanh chóng. Tuy nhiên vào lúc đó CS lại gia tăng áp lực tại mặt trận Biên Hòa - Đồng Nai nên Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 quyết định rút Lữ đoàn 2 Nhảy Dù từu Phan Rang về củng cố lực lượng trừ bị và thay thế Sư đoàn 2 Bộ Binh phòng thủ Phan Rang. Trước đó một ngày, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn có đi thị sát mặt trận Phan Rang. Nắm bắt được tình hình sau chuyến thị sát, về đến Sài Gòn, ông đã cho mời Thiếu tướng Smith, Tùy viên Quân sự Tòa Đại sứ Mỹ lên văn phòng Tổng trưởng. Ông yêu cầu Thiếu tướng Smith cung cấp cho Bộ Quốc phòng VNCH những vũ khí đang thiếu như hỏa đạn CBU, ống nhòm và máy truyền tin. Trước yêu cầu đó Tướng Smith cho biết không còn loại vũ khí đó trong kho và hứa sẽ hỏi lại Bộ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.

Trở lại phòng tuyến Phan Rang, trong khi chờ tiếp liệu vũ khí, Quân lực VNCH đã phải chống trả lại cuộc tấn công của CS vào căn cứ Không quân. CS đã pháo liên tục vào các vị trí phòng ngự vòng quanh căn cứ Không Quân, bắn dồn dập vào khu vực phi cơ đậu và phi đạo không cho phi cơ của Sư đoàn 6 Không quân cất cánh. Trước tình hình cam go đó, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 kiêm Tư lệnh mặt trận Phan Rang cùng Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không Quân và Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh họp khẩn cấp bàn phươn án rút quân. Giải pháp cuối cùng là phân tán và rút lui cá nhân. Theo tài liệu của Thiếu tá Trương Nhưỡng ghi lại, thì Trung tướng Nghi đã từ chối kế hoạch bảo vệ an toàn cho ông và các sỹ quan tham mưu Quân đoàn 3 nên đã bị kẹt lại và bị CS bắt sau đó.

(Bài viết được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn tài liệu)

Ozzie Nguyen
(Còn tiếp)

Friday, October 31, 2014

Ai trở về xứ Việt - Giọt nước mắt sau cuộc chiến...

Sau những đau đớn bi thương của ngày 30/4/1975 là những giot nước mắt, là sự phân ly, là những tuyệt vọng và những uất hận nghẹn ngào. Giọt nước mắt lênh đênh trên đại dương, trên những chuyến hành trình vượt biển tìm tự do. Giọt nước mắt của những phút giây tận cùng cái chết: cuồng phong, bão biển, đói khát, hải tặc.... Những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người anh, người chị, người em...đã đau đớn khóc chó đến khô dòng lệ. Họ đã phải dùng đôi tay để đào đất, bới cát thành những huyệt mộ trên những vùng đất xa xôi để vùi chôn những tấm thân trơ trụi không một manh chiếu để bọc thân xác.

Đó là những giọt nước mắt của các người tù "cải tạo" khi biết ngoài kia, trong XH tự xưng là "tự do, dân chủ" Cha mẹ, vợ, con, anh em của mình bị cướp hết nhà cửa, tài sản , hoặc đã chết trên đường chạy loạn. Họ sống khốn khổ dưới bàn tay của kẻ bạo quyền CS. Đó là những giọt nước mắt của những người bạn tù, khóc thương cho những người bạn mình đã chết vì đói khát, bệnh tật, bị CS xử bắn, hoặc đã chết trong những phòng biệt giam, đôi chân vẫn còn bị cùm sắt, thân thể quắt queo trên nền gạch; hay bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc....

Đó là giọt nước mắt cho những người lính một thời cầm súng chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp, bảo vệ đồng bào mình, bảo vệ tự do dân chủ và màu cờ. Người đã chết thì bị cày mộ oan nghiệt, người còn sống chỉ mất một phần thân thể thì phải bò, phải lê lết trở về quê hương nương tựa vào gia đình, kiếm sống lần ăn từng bữa.

Giọt nước mắt trên những vùng Kinh tế mới mà CS đề ra dưới cái tên " Học tập cải tạo" thực chất để lưu đày những gia đình có gắn mác "Ngụy". Nơi vùng Kinh tế mới chỉ toàn là rừng núi hoang vu, đất đai khô cằn, rừng thiêng nước độc, không người lui tới, và không gì có thể sống sót được; dịch bệnh hoành hành mà không có thuốc chữa... Họ đã sống và chết trong uất hận.

Những giọt nước mắt thương những mảnh đời bất hạnh dưới gầm cầu hay trong những bãi tha ma. Họ phải đối đất nằm sương. Đó là những đứa trẻ bơ vơ lạc lõng giữa xã hội không được học hành, đó là người già phụ nữ không một tấc đất mưu sinh...chỉ vì họ là "ngụy dân" - những đốm đen mà CS ra sức loại bỏ.

Ôi những giọt nước mắt đã chảy thành sông, thành bể suốt những năm tháng hòa bình giả tạo. 39 năm qua, nước mắt vẫn không ngừng rơi bởi hai chữ "Tự do" vẫn đang từng ngày bị tước đoạt. Kẻ chiến thắng reo vui trên máu xương và nước mắt đồng bào. Nhưng lòng người vẫn sục sôi đấu tranh kể cả khi họ bị lưu đày trên mảnh đất xa xôi hay đang lưu vong trong lòng dân tộc. Bởi họ khao khát được nhìn quê hương ngày tự do thật sự.

Ai trở về xứ Việt như một khúc ca nghẹn ngào thấm đẫm nước mắt dù chỉ là một góc đau thương trong hàng trăm nghìn đau thương mà dân tộc VN đang từng ngày gánh chịu. Nghe để thấm thía nỗi lòng cùng tác giả.

Ozzie Nguyen