Đó là những ngày tháng cuối cùng chấm dứt một thể chế non trẻ nhưng ưu việt, chấm dứt cuộc sống thiên đường của những con người bên kia vĩ tuyến 17. Ngày cuối cùng của tháng 4, văn minh đã sụp đổ trong sự uất hận đến nghẹn ngào của bao người dân miền Nam Việt Nam. Và Sài Gòn đã mất tên kể từ ngày đó, miền Nam tự do không còn nữa, Ngược dòng lịch sử quay lại 40 năm trước để cùng mở lòng ghi lại sự thật, những sự thật được xây bằng máu và nước mắt.
* Ngày 1/4/1975: Khánh Dương - Khánh Hòa: CSBV mở nhiều cuộc tấn công vào các vị trí phòng thủ của các đơn vị VNCH đóng tại Khánh Hòa. Tại Khánh Dương, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù do Trung tá Lê Văn Phát chỉ huy đã kịch chiến với 4 Trung đoàn và 2 Sư đoàn của CS. Theo ghi nhận của phóng viên chiến trường trong tình thế nguy cấp Trung tá Lê Văn Phát trình Thiếu tướng Phạm Văn Phú Tư lệnh Quân đoàn 2 xin tăng viện và phát thêm hỏa tiễn Tow chống chiến xa. Tướng Phú yêu cầu Lữ đoàn 3 cố gắng chờ quân của Sư đoàn 22 Bộ Binh từ Quy Nhơn rút vào. 2h chiều ngày 1/4/1975, khi đang trên máy bay từ Khánh Dương về Phan Rang, Tướng Phú chỉ thị cho Đại tá Lê Hữu Đức quyền Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh về cố thủ Động Ba Thì - Cam Ranh.
* Ngày 2/4/1975: Ngày cuối cùng trên chiến trường của Tư lệnh Quân đoàn 2 Phạm Văn Phú. Những giờ phút cuối cùng của vị tướng này tại Nha Trang đầy bi tráng. Trong Nhật ký chiến trường của Thiếu tá Phạm Huấn đã ghi lại đầy đủ: "Đêm ngày 1/4/1975, Thiếu tướng Phú nằm dưới chân núi, trên cái giường bố, tại ban chỉ huy của một tiểu đoàn Địa phương quân Ninh Thuận. 1h45 ngày 2/4/1975, Tướng Phú bay đến ngọn đồi "Lầu Ông Hoàng" ở Phan Thiết để cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu Tư lệnh Phó Quân đoàn 3 thảo luận về việc bàn giao phần lãnh thổ còn lại của Quân đoàn 2 cho Quân đoàn 3. Trước đó. vào 5h chiều ngày 30/3/1975, Tướng Phú đã bay ra Cam Ranh, để cùng Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, Tư lệnh Hải quân vùng 2 Duyên Hải để đón Trung tướng Trưởng đang bị bệnh. Thiếu tướng Phú ghé sát tai Trung tướng hỏi hai lần nhưng sắc lệnh Trung tướng không thay đổi nhưng có 1 giây Trung tướng ngước nhìn lên, đôi mắt như bật máu vì uất ức. Cuộc gặp gỡ của hai vị Tư lệnh quân đoàn diễn ra đúng 10 phút. Sau đó, Thiếu tướng Phú đứng nghiêm chào Tư lệnh Trung tướng Trưởng, rồi ông bước nhanh ra khỏi căn phòng nhỏ của chiến hạm. Những sự kiện bi tráng đang chờ đợi ông, người hùng Điên Biên Phủ năm nào".
* Ngày 3/4/1975: Mặt trận Phan Rang. Tình hình Ninh Thuận thực sự hỗn loạn nhốn nháo sau khi các đơn vị triệt thoái khỏi Nha Trang. Cùng lúc đó lực lượng còn lại của Quân đoàn 3 triệt thoái khỏi Đà Nẵng bằng tàu Hải Quân và cập bến Vũng Tàu. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu tướng Bùi Thế Lân chỉ huy đã phối trí lực lượng bảo vệ phòng tuyến Vũng Tàu.
* Ngày 4/4/1975: Quân đoàn 3 lập phòng tuyến tại Ninh Thuận, Tổng thống Thiệu cử Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh Phó Quân đoàn 3 trực tiếp chỉ huy Bộ Tư lệnh Tiền phương. Trật tự an ninh tỉnh Ninh Thuận đã được vãn hồi, tình hình Phan Rang lắng dịu sau những hỗn loạn.
* Ngày 5/4/1975: Đại tướng Trần Thiện Khiêm Thủ tướng Chính phủ kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng đã nộp đơn lên Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu xin từ chức và được chấp thuận.
* Ngày 8/4/1975: Trên quốc lộ 20: 3 Sư đoàn CSBV đã gia tăng áp lực phòng tuyến Long Khánh tiến chiếm một đoạn đường dài trên Quốc lộ 20. Để ngăn chặn các cuộc tấn công của CS, Không quân VNCH đã thực hiện phi tuần oanh tạc vào các vị trí đóng quân của CS. Tuy nhiên do mạng lưới phòng không dày đặc của các trung đoàn pháo binh phòng không nên phi tuần đã gặp khó khăn.
* Ngày 9/4/1975: Mặt trận Long An, phạm vi trách nhiệm của Sư đoàn 25 Bộ Binh. 6h30' sáng ngày 9/4/1975 một tiểu đoàn đặc công CSBV đã đột nhập vào thị xã Tân An-Long An. Lực lượng Địa phương quân đã đẩy lùi được cuộc tấn công này vào lúc 2h chiều cùng ngày hạ tại chỗ 25 địch quân, thu nhiều vũ khí. Cùng ngày mặt trận Long Khánh bùng nổ, CS đã pháo kích như mưa vào căn cứ không quân Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, căn cứ tiếp vận Long Bình. Cũng trong khoảng thời gian đó CS tấn công vào khu vực ngã ba Dầu Giây. Kế hoạch của CS là muốn chiếm Dầu Giây để từ đó tấn công vào tuyến phòng thủ của Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 Bộ Binh. Theo tài liệu của Phòng 3 Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH được Đại tướng Cao Văn Viên ghi lại trong hồi ký thì tính đến sáng ngày 9/4/1975 các đơn vị phòng ngự gồm: Sư đoàn 18 Bộ Binh, Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bộ Binh, Thiết đoàn 3, 2 Tiểu đoàn Biệt Động Quân, 2 Tiểu đoàn Pháo binh. Tư lệnh mặt trận Long Khánh là Chuẩn tướng Lê Minh Đảo.
Theo bản tin chiến sự của báo Chính Luận VNCH số ra ngày 10/4/1975 thì diễn tiến trận giao tranh Xuân Lộc được ghi nhận như sau: 7h30' sáng ngày 9/4/1975, CS mở nhiều cuộc tấn công vào vị trí phòng ngự của các chiến đoàn 316, 318 và 320 và sử dụng thiết giáp có bộ binh tùng thiết tấn công vào trung tâm tỉnh Long Khánh. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã phải điều động thêm lực lượng, trận chiến trở nên dữ dội và đẩy lùi được các đợt tấn công của CS. Đến 6h chiều ngày 10/4/1975 các chốt cầm cự của CS tại Xuân Lộc đã bị đẩy lùi.
* Ngày 10/4/1975: Trận chiến Xuân Lộc. Sáng ngày 10/4/1975 CS mở cuộc tấn công đợt 2 với khoảng 1 ngàn quả đạn pháo đủ loại vào Xuân Lộc và kéo dài trong vòng 1 giờ. Tiếp đó, các đơn vị bộ binh và thiết giáp đồng loạt tấn công Xuân Lộc từ hai hướng Đông Bắc và Tây Bắc. Còn tại ngã ba Dầu Giây, CS áp dụng chiến thuật "xa luân chiến" thay phiên nhau tấn công vào hệ thống công sự phòng thủ.
* Ngày 11/4/1975: trận chiến Xuân Lộc bước vào ngày thứ 3. Sau hai ngày giao tranh lực lượng phòng ngự VNCH đã thu được gần 200 vũ khí các loại, bắn cháy 8 chiếc T54. Sang ngày thứ 3 trận chiến vẫn diễn ra ác liệt. Tại ngã ba Dầu Giây liên tục trong ba ngày 9, 10 và 11/4/1975, CS đã tung 2 trung đoàn thiết giáp yểm trợ quyết chiếm khu vực này để làm bàn đạp mở các cuộc tấn công lớn vào phòng tuyến của Trung đoàn 52 Bộ Binh án ngữ tại Tây Bắc thị xã. Tuy nhiên mọi cuộc tấn công đều bị đẩy lùi.
* Ngày 12/4/1975: kịch chiến tại Xuân Lộc. Trong ngày này trận chiến ở Long Khánh trở nên quyết liệt khi CS tung thêm 1 sư đoàn có bí số CT7 (Công trường 7) vào mặt trận ngã ba Dầu Giây, 1 trung đoàn biệt lập và 1 trung đoàn thiết giáp. Trước áp lực đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tung lực lượng trừ bị cuối cùng vào trận chiến là Lữ đoàn 1 Nhảy Dù với 4 tiểu đoàn và Tiểu đoàn 3 Pháo binh.
* Ngày 13/4/1975: Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tác chiến Bảo Định, Long Khánh. Sau khi di chuyển từ Biên Hoa đến Trảng Bom lực lượng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù được phối trí: hai tiểu Dù đầu tiên hành quân trực thăng vận xuống ấp Bảo Bình cách Long Khánh 5km về hướng Nam và cách Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh về hướng đông. Hai tiểu đoàn nhảy dù này được lệnh tác chiến thị xã Bảo Định cách Bảo Bình 2km về hướng Bắc. Một tiểu đoàn Dù thứ ba được đổ xuống một khu vườn cao su bên suối Gia Cốp cách Bảo Định 1km về hướng Bắc. Tiểu đoàn thứ 4 được đổ xuống ngay Xuân Lộc để giải tỏa áp lực CS đang bao vây Bộ chỉ huy Tiểu khu và phòng tuyến 1 Địa phương quân.
* Ngày 14/4/1975: Sau 9 ngày tiến hành tuyển chọn nhân sự để thành lập chính phủ, Tân thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn trình diện nội các lên Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Tân chính phủ có 3 Phó thủ tướng, 4 quốc vụ khanh, 15 tổng trưởng, 1 bộ trưởng (Phủ thủ tướng), 6 thứ trưởng. Cùng ngày tại ngã ba Dầu Giây, CS đồng loạt tấn công và vị trí phòng thủ Trung đoàn 52 Bộ Binh. Trước tình hình đó Bộ Tư lệnh tăng viện lên mặt trận ngã ba Dầu Giây để giữ phòng tuyến này.
* Ngày 15/4/1975: trận chiến tại ngã ba Dầu Giây đã bước vào ngày thứ 7 và vô cùng quyết liệt. Thế trận và tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch: lực lượng phòng trú chỉ còn 2000 quân trong khi CS đông gấp 10 lần. Sau 3 giờ kịch chiến, CS đã tràn ngập chia cắt các lực lượng của Quân lực VNCH trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20. Khoảng 8h tối ngày 15/4/1975 toàn phòng tuyến ngã ba Dầu Giây bị vỡ, lực lượng chỉ còn 200 người rút về tuyến sau. Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên, cuối tháng 2 năm 1975 Đại tướng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cung cấp những vũ khí mà Không quân Việt Nam có thể sử dụng được. Đó là 15 quả bom ngàn cân Anh có tên là bom bạch cúc thường dùng để thả bằng phi cơ C130. Tuy nhiên đến gần cuối cuộc chiến, Hoa Kỳ mới đáp ứng yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH. Giữa tháng 4 năm 1975 ba trái chuyển đến trước và sau đó chỉ hai ngày trước khi cuộc chiến kết thúc. Quay trở lại tình hình cuộc chiến tại Long Khánh, để tăng viện, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã điều động Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, lực lượng trừ bị cuối cùng vào mặt trận Xuân Lộc.
* Ngày 16/4/1975: Phòng tuyến Phan Rang. Phòng tuyến Phan Rang được tăng cường lực lượng với nỗ lực chính là Lữ đoàn 2 Nhảy Dù và các Toán Thám sát của Nha Kỹ Thuật. Sau khi Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 được thành lập tại Phan Rang do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi giữ chức Tư lệnh, tình hình an ninh, trật tự tại Ninh Thuận được vãn hồi nhanh chóng. Tuy nhiên vào lúc đó CS lại gia tăng áp lực tại mặt trận Biên Hòa - Đồng Nai nên Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 quyết định rút Lữ đoàn 2 Nhảy Dù từu Phan Rang về củng cố lực lượng trừ bị và thay thế Sư đoàn 2 Bộ Binh phòng thủ Phan Rang. Trước đó một ngày, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn có đi thị sát mặt trận Phan Rang. Nắm bắt được tình hình sau chuyến thị sát, về đến Sài Gòn, ông đã cho mời Thiếu tướng Smith, Tùy viên Quân sự Tòa Đại sứ Mỹ lên văn phòng Tổng trưởng. Ông yêu cầu Thiếu tướng Smith cung cấp cho Bộ Quốc phòng VNCH những vũ khí đang thiếu như hỏa đạn CBU, ống nhòm và máy truyền tin. Trước yêu cầu đó Tướng Smith cho biết không còn loại vũ khí đó trong kho và hứa sẽ hỏi lại Bộ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Trở lại phòng tuyến Phan Rang, trong khi chờ tiếp liệu vũ khí, Quân lực VNCH đã phải chống trả lại cuộc tấn công của CS vào căn cứ Không quân. CS đã pháo liên tục vào các vị trí phòng ngự vòng quanh căn cứ Không Quân, bắn dồn dập vào khu vực phi cơ đậu và phi đạo không cho phi cơ của Sư đoàn 6 Không quân cất cánh. Trước tình hình cam go đó, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 kiêm Tư lệnh mặt trận Phan Rang cùng Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không Quân và Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh họp khẩn cấp bàn phươn án rút quân. Giải pháp cuối cùng là phân tán và rút lui cá nhân. Theo tài liệu của Thiếu tá Trương Nhưỡng ghi lại, thì Trung tướng Nghi đã từ chối kế hoạch bảo vệ an toàn cho ông và các sỹ quan tham mưu Quân đoàn 3 nên đã bị kẹt lại và bị CS bắt sau đó.
(Bài viết được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn tài liệu)
Ozzie Nguyen
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment