Saturday, April 4, 2015

Miền Nam những ngày tháng 4 năm 1975 - Phần 2

* Ngày 17/4/1975: CS tấn công vào phía Nam thị xã Xuân Lộc do hai tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 2 Nhảy Dù án ngữ. Không quân đã dùng nhiều phi tuần F5 và A37 oanh kích các vị trí CS đóng quân.


* Ngày 18/4/1975: Sau khi Ninh Thuận thất thủ, Bình Thuận trở thành phòng tuyến cuối cùng của VNCH tại miền Trung. Theo ghi nhận của Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh thì trong tình hình Phan Thiết bất ổn, ông đã dặn riêng Trung tá Tôn Thất Hồ Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 6 Bộ Binh chuẩn bị các ghe đánh cá thuê của dân khi cần sẽ rút về Vũng Tàu. Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên viết theo sự cung cấp thông tin của Chuẩn tướng Trần Đình Thọ - Trưởng phòng 3 Bộ Tổng tham mưu và theo lời một số sỹ quan có mặt tại Phan Thiết thì tỉnh này thất thủ vào ngày 18/4/1975 và đến ngày 19/4/1975 toàn tỉnh Bình Thuận lọt vào tay CS.

* Ngày 19/4/1975: Cộng sản tung một trung đoàn tấn công ồ ạt vào tuyến phòng ngự của một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 43 Bộ Binh. Quân phòng trú đã dũng cảm  đánh trả. Sau nhiều giờ tử chiến với CS tuyến phòng thủ Định Quán bị vỡ trong ngày.

* Ngày 20/4/1975: tại chiến trường Long Khánh rạng sáng ngày 20/4/1975, hai trung đoàn CS từ hướng Đông Nam Xuân Lộc tiến thẳng vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh và Bộ Chỉ huy Tiểu khu Long Khánh. Trong tình thế cấp bách, 10h sáng ngày 20/4/1975 theo lệnh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh đã có một cuộc họp khẩn cấp với chỉ huy trưởng các đơn vị tăng phái và Tiểu khu trưởng Long Khánh. Trong vòng 1 giờ, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh phổ biến lệnh mới của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 là toàn bộ lực lượng VNCH rút khỏi Xuân Lộc.

* Tại Sài Gòn sáng ngày 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập Hội đồng An Ninh Quốc Gia với sự tham gia của Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3, Trung tướng Nguyễn Văn Minh Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình (Tư lệnh CSQG). Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên, trong cuộc họp này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã thông báo quyết định từ chức và trao quyền lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Ông nói rằng Hoa Kỳ muốn ông từ chức và dù ông có bằng lòng hay không thì nhiều tướng lãnh cũng muốn ông phải rút lui. 19h30ph ngày 21/4/1975, lễ bàn giao chức vụ Tổng thống đã diễn ra tại Dinh Độc Lập và được truyền hình trực tiếp. Trận chiến tại phòng tuyến Quân khu 3 lúc đó vẫn diễn ra ác liệt.

* Ngày 22/4/1975: Quân đoàn 3 lập phòng tuyến Trảng Bom. Sau hơn 10 ngày quyết chiến với 4 sư đoàn CS ngày 20/4/1975, toàn bộ lực lượng VNCH tham chiến tại Xuân Lộc được lệnh rút về Phước Tuy. Lộ trình rút quân là các cánh quân sẽ xuất phát từ Tân Phong, Giao Long theo Liên tỉnh lộ 2 về Phước Tuy. Cánh quân của Sư đoàn 18 Bộ Binh rút đi tương đối an toàn, còn cánh quân do Đại tá Phạm Văn Phúc tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Long Khánh chỉ huy đã bị quân CS chặn đánh. Các lực lượng rút sau cùng, các tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã phải tử chiến với các Trung đoàn Cộng quân trên đường rút lui. Lộ trình rút quân của Lữ đoàn Dù dài hơn 40km đường rừng ven theo Liên tỉnh lộ 2 từ Tân Phong đến Đức Thành, Long Lễ về Bà Rịa... Trong cuộc rút quân, họ được lệnh mang theo tất cả đạn dược, quân trang, quân dụng nhưng điều đau xót là họ không thể mang theo những đồng đội của mình đang bị thương nặng. Họ phải cố nén đau thương bỏ lại đồng đội vĩnh viễn ở lại chiến hào. Trước lúc lên đường, họ sửa lại thế nằm của đồng đội, vuốt từng đôi mắt sau khi các quân y sỹ, y tá quân y đã chích cho thương binh những mũi thuốc an thần, họ đứng nghiêm chào vĩnh biệt đồng đội. 4h sáng ngày 21/4/1975, tại ấp Quý Cả, địa giới hai tỉnh Long Khánh và Phước Tuy, đoàn xe chở Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù và Đại đội Trinh sát Dù bị 2 tiểu đoàn Cộng quân phục kích, đa số binh sỹ đều bị thương vong, tổn thất.

Để diệt các chốt của Cộng quân, các Toán cảm tử Dù được thành lập ngay tại trận địa với những quân nhân tình nguyện. Ngày 22/4/1975, cuộc rút quân hoàn tất. Sư đoàn 18 Bộ Binh sau khi vè đến Long Lễ trong ngày 21/4/1975 đã được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cho di chuyển nghỉ dưỡng quân tại Long Bình. Sau đó, các trung đoàn được điều động tăng cường phòng tuyến phía Đông Thủ đô Sài Gòn. Kể từ ngày 22/4/1975, phòng tuyến án ngữ phía Bắc và phía Đông của Quân đoàn 3 được hình thành với Liên tuyến Trảng Bom - Long Thành - Phước Tuy, lực lượng chính là Sư đoàn 18 Bộ Binh, Lữ đoàn 1 Dù, Lữ đoàn 3 Thiết Kỵ (Chuẩn tướng Trần Văn Khôi chỉ huy) và Lữ đoàn 468 Thủy Quân Lục Chiến. Về lực lượng phòng thủ vòng đai xa của Sài Gòn tính đến 22/4/1975 có 3 Sư đoàn Bộ Binh: Sư đoàn 18 do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, Sư đoàn 25 do Tướng Lý Tòng Bá chỉ huy, Sư đoàn 5 do Tướng Lê Nguyên Vỹ chỉ huy.

* Ngày 22/4/1975: Mặt trận Tây Ninh. Áp lực của Cộng quân gia tăng đáng kể từ nhiều hướng tiến đánh Sài Gòn, chúng mở nhiều cuộc tấn công vào một số vị trí đóng quân của lực lượng VNCH trên mặt trận Tây Ninh. Tại Bình Dương, Biên Hòa chúng tăng các đợt pháo kích bằng hỏa tiễn và đại bác 130mm. Cùng ngày, lực lượng VNCH tại Long Khánh hoàn tất triệt thoái rút về bảo vệ vòng đai SG và Biên Hòa..

* Ngày 23/4/1975: 6h chiều, với chức danh Tổng trưởng Quốc Phòng, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn đã họp các tướng lĩnh tại văn phòng Tổng Tham mưu trưởng. Tại cuộc họp cựu Trung tướng nói: "Dù có thương thuyết để đình chiến, chúng ta cũng cố giữ những gì chúng ta có". Ông yêu cầu Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3/Quân khu 3 sắp xếp lại tuyến phòng thủ để bảo vệ Sài Gòn. Theo hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, sau khi Tổng thống Thiệu từ chức, Tòa đại sứ Pháp đã nhảy vào chính trường Việt Nam. Cố vấn chính trị của sứ quán Pháp, Ông Brochand đã gặp cựu Trung tướng Đôn nói: "Nếu có thương thuyết thì CS Hà Nội chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi". 10h tối ngày 22/4/1975, Tướng Đôn gặp ông Minh hỏi: "Anh có thể thương thuyết với bên kia không?", ông Minh đáp: "Được, nhưng phải thật lẹ, nếu không chúng ta không có hy vọng". Ông Minh đề nghị Tướng Đôn đi gặp Đại sứ Mỹ Martin để thuyết phục ông Trân Văn Hương. Ông Martin hứa với Tướng Đôn sẽ thuyết phục Tổng thống Hương. Lúc đó là 1h sáng ngày 23/4/1975. Cũng theo hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn trong ngày 23/4/1975, một số tướng lãnh và sỹ quan cao cấp do Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, nguyên Chỉ huy trưởng Trường Chỉ huy Tham mưu, đang giữ chức Tổng Cục trưởng Quân Huấn, Trung tướng Vĩnh Lộc, Nguyên Chỉ huy trưởng Trường Cao đẳng Quốc Phòng đã đến dinh Tướng Đôn. Phái đoàn đề nghị với tư cách Tổng trưởng Quốc Phòng chỉ định người thay thế Đại tướng Cao Văn Viên, vì theo họ Đại tướng Viên không còn thiết tha với quân đội. Tướng Đôn hỏi Trung tướng Trị: "Vậy ai có thể thay thế Tướng Viên?", Trung tướng Trị trả lời: "Trung tướng Nguyễn Đức Thắng". Tướng Đôn viết trong hồi ký rằng ông biết rõ khả năng của Trung tướng Thắng và đã gợi ý nhưng Tướng Thắng từ chối (Tướng Thắng xuất thân khóa 1 Sỹ quan Trừ bị Nam Định - Thủ Đức 1952, là một trong 4 Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Binh chủng Pháo binh 1960-1969). Tại cuộc gặp này, bên cạnh vấn đề thay thế Đại tướng Viên, một số tướng lãnh còn đề nghị cựu Tướng Đôn nên bắt tất cả những người Mỹ còn lại làm con tin để Mỹ tiếp tục viện trợ giữ miền Nam. Cựu Tướng Đôn cũng phân tích là hơn 1000 người Mỹ còn lại ở Việt Nam muốn cùng quân đội VNCH chiến đấu đồng thời xoay chuyển dư luận Mỹ yểm trợ cho Việt Nam.

Cuối cùng ông khuyên mọi người cần phân biệt chính quyền Mỹ và những người Mỹ tại Sài Gòn. Ông nói rằng chính quyền Mỹ tại Sài Gòn chỉ có ông Đại sứ đại diện, bỏ rơi Việt Nam là Chính phủ Mỹ và Quốc hội Mỹ, chứ không phải là người Mỹ đang ở Saig Gòn, nếu bắt họ làm con tin thì tội nghiệp cho họ và chẳng có ích lợi gì. Trong khi chưa tìm ra một người để giao trọng trách chỉ huy Quân đội VNCH trong giai đoạn vô cùng cam go thì ngày 23/4/1975, nội các do ông Nguyễn Bá Cẩn và Thủ tướng nộp đơn lên Tổng thống Trần Văn Hương xin từ chức.

* Ngày 25/4/1975: Giao tranh ác liệt tại phòng tuyến Bình Dương. Các đơn vị Địa phương quân và Nghĩa quân tại đây bị các trung đoàn của CS tấn công liên tục. Mục đích của chúng là muốn chọc thủng mặt Đông Bình Dương và mặt Tây Biên Hòa để tiến vào Sài Gòn. Cùng lúc này, tại mặt trận Long An, Sư đoàn 22 Bộ Binh được giao nhiệm vụ phòng thủ vòng đai thị xã. Các đơn vị của Sư đoàn 22 thuộc quyền điều động của Biệt khu Thủ Đô Trung tướng Nguyễn Văn Minh làm Tư lệnh.

* Ngày 26/4/1975: 6h chiều mặt trận Phước Tuy căng thẳng trở lại. Cộng quân pháo kích vào thị xã Bà Rịa, Bộ Chỉ huy Tiểu khu Phước Tuy, Tư dinh Tỉnh Trưởng, Trung Tâm Huấn luyện Vạn Kiếp. Trận mưa pháo kích kéo dào 3h làm hư hỏng toàn bộ hệ thống điện thị xã Bà Rịa. Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh điều động một Tiểu đoàn Dù tổ chức các cuộc phản công đánh đuổi CS ra khỏi thị xã. Tiểu đoàn Dù đã bắn cháy 5 chiến xa ngay trong đêm. Cũng trong tối 26/4/1975, Cộng quân tấn công chiếm Long Thành và cắt đứt Quốc lộ 15 nối Vũng Tàu và Sài Gòn.

* Sáng ngày 27/4/1975 Tổng thống Trần Văn Hương mở cuộc họp đặc biệt tại dinh gồm các thành phần: Ông Trần Văn Linh, Chủ tịch tối cao Pháp viện; ông Trần Văn Lâm, Chủ tịch Thượng viện; ông Phạm Văn Út, Chủ tịch Hạ Viện; cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng và một phụ tá Tư pháp của Tổng thống. Tại cuộc họp Tổng thống đã nhắc lại hai đề nghị trong phiên họp Quốc hội ngày 26/4/1975:

- Giao cho Tổng thống đương nhiệm quyền chỉ định một Thủ tướng toàn quyền
- Bầu ông Dương Văn Minh làm Tổng thống.

Theo hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Tổng thống Trần Văn Hương có mời ông Minh là Thủ tướng toàn quyền nhưng ông Minh không nhận mà yêu cầu ông phải từ chức giao chức vụ tổng thống cho ông Minh để ông Minh có toàn quyền nói chuyện với Việt Cộng. Trong phiên họp đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội, Tổng trưởng Quốc Phòng có tóm tắt tình hình quân sự: Sài Gòn đang bị bao vây bởi 15 Sư đoàn CSBV đặt dưới quyền 3 Quân đoàn CSBV, Quốc lộ Sài Gòn - Vũng Tàu bị cắt đứt. 8h20' tối ngày 27/4/1975, Đại hội đồng lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu (136 phiếu thuận - 2 phiếu chống) chấp thuận trao chức vụ Tổng thống VNCH cho ông Dương Văn Minh.

* Ngày 28/4/1975: Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh, cựu Đại tướng. Trong buổi lễ này Quân lực VNCH cử Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không quân và Trung tướng Đồng Văn Khuyên Tham mưu trưởng Liên quân thay mặt Đại tướng Cao Văn Viên dự lễ. Sau nghi lễ nhậm chức, ông Dương Văn Minh đã giới thiệu ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng. Ông Dương Văn Minh đã tuyên bố đường lối của mình là "sẽ chấm dứt chiến tranh bằng thương thuyết và hòa giải với Mặt trận Giải phóng Miền Nam". Sau buổi lễ trở về nhà Tướng Đôn điện thoại cho Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Không quân thì được báo có 3 phi cơ của Không Quân VNCH bị bỏ lại ở Đà Nẵng và Việt Cộng đã sử dụng để bay vào Sài Gòn dội bom. Hai phản lực cơ F5 của Không Quân đã nghinh chiến đuổi 3 phi cơ này.

Tình hình chiến sự ngày 28/4/1975 ghi nhận nhiều diễn biến căng thẳng. Cộng quân gia tăng áp lực vanh đai Sài Gòn. Chúng đã điều động 2 sư đoàn thuộc Quân đoàn 1 CSBV tiến sát phòng tuyến do các trung đoàn 7, 8, 9 của Sư đoàn 5 Bộ Binh. Trong cuộc tiến công chiếm Bến Sắn với mục tiêu chọc thủng mặt Đông Bình Dương và mặt Tây Biên Hòa chúng gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của Sư đoàn 5 Bộ Binh và bị tổn thất nặng. Cũng trong ngày, căn cứ Không Quân Biên Hòa bị pháo kích dữ dội.

* Ngày 29/4/1975: 4h sáng Cộng quân pháo kích đại bác 130ly và hỏa tiến 122ly vào khu vực phi trường  Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH và Bộ Tư lệnh Hải Quân ở Bến Bạch Đằng. Sau trận pháo kích này, kế hoạch di tản người Mỹ và người Việt tỵ nạn bằng phi cơ C130 xem như bị hủy bỏ hoàn toàn. 10h30' sáng Tướng Homer Smith, Tùy viên Quân lực tại Sài Gòn gọi điên cho Đô đốc Noel Gayler, Tổng tư lệnh Quân lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tại Honolulu báo cáo rằng phi trường Tân Sơn Nhứt không còn tình trạng sử dụng được nữa. Vào lúc 7h sáng tại Washington tức là 7h tối tại Sài Gòn, Hộ Đồng An Ninh Quốc Gia đã triệu tập phiên họp khẩn cấp dưới sự chủ tọa của Tổng thống Gerald Ford và Ngoại trưởng Henry Kissinger nhằm tìm giải pháp hữu hiệu để di tản người Mỹ còn lại ở Sài Gòn

(Bài viết được phân tích và tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu)
Ozzie Nguyen

(Hết phần 2)

No comments:

Post a Comment